Thêm nhiều kết nối giao thông Hải Dương - Hưng Yên
Nhằm tăng cường hơn nữa kết nối giao thông giữa hai địa phương, 2 tỉnh Hải Dương - Hưng Yên đang triển khai nhiều chương trình hợp tác liên quan.
Quan tâm đầu tư
Từ năm 1997, sau khi tách tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh Hải Dương – Hưng Yên luôn giữ mối quan hệ thân tình, tích cực hỗ trợ, trao đổi, hợp tác, cùng nhau phát triển. Vốn là 2 địa phương giáp ranh, Hải Dương – Hưng Yên có nhiều tuyến đường giao thông kết nối. Để phát huy hiệu quả lợi thế này, 2 tỉnh tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho giao thông nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại và hình thành các tuyến giao thông kết nối liên vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 tỉnh phát triển.
Dự án cầu Hải Hưng bắc qua sông Chanh nối Hưng Yên với Hải Dương là một trong những công trình giao thông kết nối nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên trong thời gian này. Dự án xây dựng cầu Hải Hưng có điểm đầu tại tuyến đường tỉnh 386 khoảng km11+200 thuộc địa bàn xã Minh Tân, huyện Phù Cừ (Hưng Yên); điểm cuối giao với đường tỉnh 392C thuộc địa bàn xã Đoàn Kết (Thanh Miện). Phần cầu và đường dài khoảng 950m, cầu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài toàn cầu khoảng 110m, bề rộng 12m. Phần đường dẫn đầu cầu là đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường 12m, chiều dài phần đường khoảng 840m. Tổng mức đầu tư dự án là 170 tỷ đồng. Dự kiến dự án thực hiện từ quý II năm nay tới quý IV/2025.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, Dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Hải Hưng kết nối tỉnh Hải Dương với tỉnh Hưng Yên đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế xây dựng và triển khai giải phóng mặt bằng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư. Điểm đầu đoạn đường dẫn sẽ kết nối với mố cầu Hải Hưng phía Hải Dương, điểm cuối khoảng km0 +180 kết nối nút giao giữa đường tỉnh 392C và đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương thuộc địa phận xã Đoàn Kết (Thanh Miện). Tổng chiều dài tuyến khoảng 180 m. Đường dẫn quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án là 60 tỷ đồng.
Cầu Bãi Sậy trên đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng kết nối xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi (Hưng Yên) với xã Thái Dương, huyện Bình Giang (Hải Dương). Vốn dĩ đây là cây cầu thép tạm phục vụ thi công đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sau đó được giữ lại để khai thác nhưng hiện cầu đã hư hỏng và không bảo đảm tĩnh không thông thuyền. Để khai thác hiệu quả đường gom dọc theo tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên đang triển khai thi công xây dựng đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đường tỉnh 382B) và đường dẫn đầu cầu Bãi Sậy (phía Hưng Yên) với quy mô đường cấp III đồng bằng, nền đường 12m, mặt đường 11m. Hai địa phương cũng đang tiếp tục nghiên cứu, thống nhất việc đầu tư xây dựng cầu Bãi Sậy trên đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường dẫn hai đầu cầu, phấn đấu hoàn thành sớm trong giai đoạn 2026-2030.
Đẩy mạnh phát triển vận tải
Cùng với đầu tư kết nối về giao thông, việc kết nối vận tải cũng được 2 địa phương chú trọng. Hiện nay, 2 địa phương đang duy trì 2 tuyến buýt kết nối giữa Hưng Yên với Hải Dương gồm tuyến buýt số hiệu 206 và 216 với tổng số 20 xe, tần suất 30 – 40 phút/chuyến.
Nhằm mở rộng các tuyến xe buýt kết nối giữa hai tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, ngành vận tải tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Tuyến buýt 216, 206 còn thực hiện việc thay thế phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt. Hai địa phương quy hoạch thêm tuyến buýt liền kề từ thị trấn Cẩm Giang đến thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên). Tuyến có chiều dài 21 km, lộ trình: Cẩm Giàng - Nhật Tảo A - Khuyến Thiện - Tân Ấp - Chỉ Đạo - ga Lạc Đạo - Văn Lâm - Như Quỳnh. Quy hoạch thêm tuyến liền kề từ thị trấn Tứ Kỳ đến thị trấn Phù Cừ (Hưng Yên) với chiều dài 40 km, lộ trình: thị trấn Tứ Kỳ - đường tỉnh 391- Cộng Lạc (Tứ Kỳ) – đường trục (Đông - Tây) - cầu vượt sông Chanh - thị trấn Phù Cừ. Đồng thời quy hoạch tuyến vận tải khách cố định: Hải Tân - Triều Dương, Nam Sách - Triều Dương, Chí Linh - Triều Dương.
Ngành giao thông vận tải 2 địa phương thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp trong công tác quản lý nhà nước để nâng cao chất lượng hoạt động vận tải khách giữa hai tỉnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.