Đông nghịt người đi xem phim về Điện Biên Phủ
Để có vé xem hai bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ, Trà Giang đến rạp trước một tiếng nhưng không ngờ vẫn phải xếp hàng sau hàng trăm người.
Giang, 25 tuổi, ở quận Long Biên biết đến tuần chiếu phim nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Điện ảnh quân đội nhân dân qua mạng xã hội. Cô gái 25 tuổi rủ bạn đi xem vào tối chủ nhật (5/5) ngay khi từ quê ra Hà Nội.
Dù biết là phim chiếu miễn phí nhưng Giang nghĩ đề tài về lịch sử khô khan sẽ không quá đông. Có mặt tại cổng từ 17 giờ 30, trước giờ mở cửa một tiếng, cô gái ngỡ ngàng thấy phía trước mình đã có vài trăm người đứng xếp hàng, kéo dài từ cổng đến nửa đường Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm.
"Lượng người đến ngày một đông khiến tôi đã nghĩ phải quay về do hết chỗ", Giang nói. Cuối cùng cô gái vẫn may mắn tìm được một ghế chính và một ghế phụ để xem suất chiếu hai bộ phim Nhìn lại Điện Biên và Sống cùng lịch sử.
Minh Ngọc ở huyện Đông Anh đến rạp từ 17 giờ ngày 5/5, cách giờ chiếu phim hai tiếng. Hôm trước trước, cô gái 19 tuổi đi hơn 30 km đến nhưng do hết chỗ nên đành quay về. Biết rạp phim có các suất chiếu đến hết ngày 6/5, chiều 5/5, tranh thủ được nghỉ học cô cùng bạn lại đến xem.
Ngọc kể dù đã đến sớm nhưng rạp đã có đông người xếp hàng, dòng người chờ đợi kéo dài từ số 2 Lý Nam Đế đến cổng rạp chiếu phim là số 17 Lý Nam Đế.
Ông Trần Đức Ngôn, 77 tuổi và vợ là bà Thẩm Ngọc Liên ở quận Nam Từ Liêm chỉ đến trước giờ chiếu 20 phút. Thời điểm này dòng người xếp hàng rất đông nên họ xác định sẽ phải về bởi nghĩ không còn chỗ. Điều này giống một ngày trước, khi ông dẫn cháu gái đi xem phim "Đào, phở và piano". Lần này vợ chồng ông may mắn hơn khi được một chiến sĩ đề nghị đưa vào hàng ưu tiên do là người cao tuổi.
Tuần phim nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 3/5 đến hết 6/5, trình chiếu 8 bộ phim bao gồm bốn phim tài liệu do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất gồm "Hùng ca Điện Biên Phủ", "Cột mốc vàng Điện Biên Phủ", "Nhìn lại Điện Biên", "Điện Biên Phủ trận quyết chiến lịch sử" và bốn bộ phim truyện điện ảnh gồm "Hoa ban đỏ", "Đào, phở và piano", "Sống cùng lịch sử" và "Ký ức Điện Biên".
Đại diện Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết tất cả các suất chiếu từ ngày 3/5 đến nay đều kín chỗ, trung bình mỗi ngày đón tiếp 400-500 khán giả. Do điều kiện cơ sở vật chất có hạn, đơn vị buộc phải bố trí thêm nhiều ghế phụ phân bổ tại các lối đi và cánh gà hai bên nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được lượng khán giả. Nhân viên của rạp đã phải từ chối rất nhiều người, xin mọi người thông cảm bởi biết có những người từ xa về.
"Chúng tôi luôn muốn đón nhiều khách nhưng diện tích rạp có hạn, dù biết nhiều người đã phải di chuyển xa đến rạp nhưng không thể vào", người đại diện nói.
Khoảng 19 giờ 30 tối 5/5, sau 30 phút khởi chiếu phim vẫn có hàng chục bạn trẻ đến trước cổng rạp, hỏi xin vào. Tuy nhiên do rạp đã chật kín người, không có khoảng trống xếp ghế phụ nên đơn vị buộc phải từ chối, khuyên buổi công chiếu ngày mai nên đến sớm để có chỗ.
Mai Ánh, 29 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm nói là lần thứ hai đến Điện ảnh Quân đội mong xem phim về lịch sử nhưng không thể vào. Lần đầu do hết chỗ, lần thứ hai xem nhầm lịch chiếu nên vẫn phải đứng ngoài.
"Tôi biết ở gần lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có rạp chiếu phim lưu động nên đành ra đó để xem, nhưng chắc chắn âm thanh, ánh sáng không thể nào hay như trong rạp", Ánh nói.
Lý giải về sức hút của nhiều bộ phim truyện về đề tài chiến tranh, lịch sử trong thời gian gần đây, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng tác động trực tiếp của hoạt động truyền thông trên mọi nền tảng mạng xã hội đã thu hút được người xem và điều quan trọng là hoạt động giáo dục chính trị bắt đầu tìm ra các phương pháp mới để khơi gợi lòng yêu nước, mong muốn tìm về cội nguồn của người trẻ.
Mong lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử hào hùng, Vũ Hồng Thắm, 26 tuổi, ở quận Hà Đông cùng chồng và ba người bạn đưa các con đi xem. Cô gái 26 tuổi là giáo viên mầm non kể ông nội từng là chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Các bạn nhỏ đi xem có thể chưa hiểu hết ý nghĩa của bộ phim, nhưng từng phân cảnh tôi luôn giải thích để các con hiểu rõ hơn, từ đó học cách tự hào, biết ơn các anh hùng, chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc", Thắm nói.
Còn với Trà Giang, hơn hai tiếng xem phim trong rạp khiến cô gái 25 tuổi trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Không ít lần Giang bật khóc bởi xúc động.
"Tôi ước mình biết đến tuần lễ phim này sớm hơn để có thể xem đủ 8 bộ phim. Lần sau, nếu có cơ hội nhất định tôi không bỏ lỡ", Giang nói.