Khác biệt trong chuyến công du châu Âu năm 2024 của Chủ tịch Tập Cận Bình
Chủ tịch Tập Cận Bình đang thăm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên trong 5 năm.
Kênh DW (Đức) nhận định, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm EU năm 2019, tình hình thế giới đơn giản hơn thời điểm hiện nay rất nhiều. Khi đó, vẫn chưa có COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, xung đột tại Gaza và cả EU cùng Trung Quốc đều hướng tới một thỏa thuận thương mại, đầu tư.
Sau đó, Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc được ký kết trong tháng 12/2020 sau 7 năm đàm phán. Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn và tạo điều kiện cho đầu tư của Trung Quốc tại EU. Tuy nhiên, đến nay hiệp định này vẫn chưa được 27 quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Pháp vào ngày 5/5, sau đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đến thăm Serbia và Hungary.
DW nhận định rằng tại Paris, ông Tập Cận Bình sẽ đối mặt với lập trường cứng rắn của EU nhưng dự kiến được chào đón nồng nhiệt hơn ở Belgrade và Budapest.
Áp lực từ Pháp về xung đột Nga - Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lịch trình đón Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 6/5 tại Paris. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen là khách mời.
Điện Elysee vào tuần trước khẳng định: “Các cuộc trao đổi sẽ tập trung vào khủng hoảng quốc tế, trước hết là xung đột ở Ukraine và tình hình ở Trung Đông”.
Kênh Al Jazeera dự đoán Tổng thống Macron sẽ thúc giục Chủ tịch Tập Cận Bình gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye gần đây bày tỏ: “Chính phủ Trung Quốc luôn duy trì lập trường trung lập, cân bằng, khách quan và không thiên vị bất cứ bên nào”.
Nhà nghiên cứu Emmanuel Lincot tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược đánh giá rằng Bắc Kinh coi trọng vai trò của Paris. Nhưng ông Lincot lập luận rằng việc Tổng thống Nga Putin có kế hoạch đến thăm Trung Quốc trong tháng 5 này cho thấy Bắc Kinh không thay đổi. Ông đánh giá: “Sẽ không có một chút thay đổi nào trong cách tiếp cận của Chủ tịch Tập Cận Bình với các vấn đề lớn quốc tế”.
Trong chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến có nhiều thỏa thuận kinh doanh mới được ký kết, bao gồm kế hoạch đặt hàng với Airbus. EU và Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nhau.
Tuy nhiên, EU nhiều lần nghi ngờ về việc tiếp cận thị trường không công bằng. Năm 2023, EU mở điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Tổng thống Macron trong tuần trước chia sẻ với tờ Economist rằng ông sẽ truyền đạt với Chủ tịch Tập Cận Bình lý do châu Âu cần bảo vệ ngành sản xuất và công nghiệp của khối.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào Serbia
Sau Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến Serbia. Chuyến thăm của ông trùng với dịp kỷ niệm 25 năm ngày Mỹ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Washington đã xin lỗi về vụ việc, gọi đây là tai nạn và bồi thường cho những công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Chính thức ứng cử để trở thành thành viên EU, Serbia và các quốc gia Tây Balkan khác đang ở trong điểm nóng địa chính trị, nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng. Mặc dù EU là đối tác kinh tế hàng đầu của Serbia, nhưng khoảng 10,3 tỷ euro đầu tư của Trung Quốc đã đổ vào nước này từ năm 2009 đến năm 2021.
Hungary - người bạn trong khối EU
Ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc chuyến công du châu Âu tại Hungary, thành viên EU thường xuyên có mâu thuẫn nhất với EU. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai nước đã tăng cường tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị trong những năm gần đây.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 30/4 chia sẻ với tờ Global Times (Trung Quốc) rằng cuộc điều tra của EU về trợ cấp xe điện của Trung Quốc "thực sự nguy hiểm và có hại". Ông Peter Szijjarto nhấn mạnh Hungary sẽ tham gia nhiều vào việc cải thiện quan hệ EU - Trung Quốc.
Hungary đã tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường từ năm 2015. Tổng thống Hungary Viktor Orban và Chủ tịch Tập Cận Binh dự kiến sẽ thảo luận thêm về công trình đường sắt cao tốc đang thi công giữa Budapest và Belgrade.