Tranh luận việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe
Tại hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhiều đại biểu tranh luận việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe.
Chiều 6/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng vào các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Lưu trữ (sửa đổi). 3 dự án luật này dự kiến sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, việc nghiêm cấm nồng độ cồn với lái xe được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến. Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, hành vi đầu tiên bị nghiêm cấm là "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Đồng chí Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương đồng tình việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe. Đồng chí cho biết từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người tử vong, bị thương do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia trên toàn quốc chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Trong đó, khoảng 80% số lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia gây ra. Trong năm 2023, từ khi lực lượng công an kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt vi phạm nồng độ cồn với lái xe, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người tử vong, giảm 22% số người bị thương so với năm 2022. Ý thức tham gia giao thông của người dân cũng được nâng lên. Do đó, quan điểm tiếp tục cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe là có căn cứ và phù hợp.
Tranh luận về nội dung này, đồng chí Lê Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng chí đề nghị quy định rõ từng mức cụ thể, kể cả mức xử phạt tối đa cũng tăng theo mức nồng độ cồn.
Đồng tình với ý kiến của đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho rằng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn có nhiều bất cập. Đồng chí nêu ví dụ trường hợp người uống rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn và vi phạm. Ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng quy định mức nồng độ cồn cho phép. Đồng chí Nguyễn Văn Công cũng đề nghị nâng mức xử phạt tối đa, khởi tố nếu người vi phạm có mức nồng độ cồn quá cao và gây nguy hiểm cho xã hội.
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào 3 dự án luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận 11 lượt ý kiến của các đại biểu. Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định đây là những nội dung còn nhiều tranh luận khác nhau trong dư luận và các ý kiến của đại biểu là nguồn tư liệu quý để đại biểu Quốc hội tham gia vào quá trình xây dựng luật. Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga cho biết Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội nghị.