Đột ngột nghỉ việc, rồi rách ví vì đi "chữa lành"
Có phải ngày nay tâm hồn chúng ta quá mong manh, nên luôn cần "chữa lành" dù chỉ gặp điều không như ý hay một sự cố nhỏ?
"Chữa lành" thì rách ví
Hai năm trước, T.N. (9x đời cuối) bất ngờ nộp đơn nghỉ việc vào buổi sáng. Đến trưa, cô dọn đồ cá nhân tại bàn làm việc rồi bỏ về nhà. Cô kể rằng người sếp cũng ngỡ ngàng vì chưa kịp duyệt đơn.
Cô tâm sự với bạn bè, sau đợt phong tỏa vì dịch Covid-19, cô và người yêu ít gặp gỡ nhau. Bạn trai thấy tình cảm không còn mặn mà, dù ngày nào cũng gọi video mấy cuộc, bèn nói lời chia tay.
Theo thuật ngữ giới trẻ, cô gái này đã rơi vào trạng thái "suy" vì chuyện tình cảm. Cộng thêm quen làm việc ở nhà, ngại khi phải "tái hòa nhập" chốn đông người, cô bèn xin làm việc từ xa. Đặc thù công việc cần trao đổi trực tiếp tại công ty, sếp không duyệt nguyện vọng. Thế là cô nghỉ việc luôn.
Mấy hôm sau, trang cá nhân của cô liên tục cập nhật hình ảnh đi chữa lành trong rừng, tập yoga, chia sẻ những kênh podcast chữa lành từ bên trong. Rồi cô đăng ký một khóa chữa lành qua nền tảng trực tuyến Zoom.
Theo chia sẻ, lương lúc chưa nghỉ là 13 triệu đồng, nhưng cô gái này bỏ ra hơn một tháng lương (15 triệu đồng) để tham gia khóa hành trình "chữa lành" 28 ngày. Trong thời gian đợi khóa học ngấm, cô tranh thủ đi uống trà thiền, gội đầu dưỡng sinh. Cô tốn vài trăm ngàn đồng một lần để thư giãn cơ thể, chữa lành từ bên ngoài.
Vì cô liên tục dùng nhiều dịch vụ chữa lành kiểu cưỡi ngựa xem hoa nên tâm hồn chưa lành lại nhưng ví tiền đã "rách". Một buổi tối, cô nhắn tin hỏi mượn bạn thân vài triệu đồng xoay xở. Cô nhờ bạn tư vấn giờ xin vào làm việc lại có được không
Bằng tuổi mình, sao người ta mạnh mẽ thế?
Tháng 9/2023, cuộc tình của Duy Anh (27 tuổi) chấm dứt. Người yêu theo gia đình định cư nước ngoài. Khỏi phải nói, anh suy sụp đến mức nào. Vì sao hai người vẫn yêu nhau, lại phải nói lời chia tay chỉ vì hoàn cảnh bên ngoài?
"Tôi mở những bài tình ca buồn bã cả ngày lẫn đêm. Càng nghe càng thêm buồn. Lúc này, tôi phần nào hiểu được cảm giác của bạn bè khi chia tay", anh kể.
Suýt nữa anh tốn tiền… đi "chữa lành". Một tháng sau, có dịp thăm người bà con đang nằm viện, anh gặp anh chàng bằng tuổi mình, có con 3 tuổi đang trong khoa hồi sức ICU. Bác sĩ nói thời gian điều trị của bé tính bằng tháng, kết quả là 50/50.
Đã vậy, hai vợ chồng anh này còn thất nghiệp, tiền trong túi ngày càng vơi. Nhưng anh vẫn lạc quan, tìm việc làm ban ngày, buổi tối vào bệnh viện thay vợ túc trực.
Hai vợ chồng anh này tin con mình sẽ mau chóng hồi phục. Duy Anh bộc bạch: "Tôi tự hỏi điều gì đã khiến anh mạnh mẽ như thế. Người ta bằng tuổi mình đó! Không phải tìm câu trả lời đâu xa. Chính là tình thương yêu của một người cha, người mẹ".
Anh kể chuyện này cho nhóm bạn. Một người bạn nhờ gửi tặng 500.000 đồng để anh này mua sữa, tã cho con. Ngày trở lại viện để tìm anh đưa tiền, Duy Anh góp thêm 500.000 đồng. Số tiền không nhiều, nhưng anh cảm thấy được "chữa lành". Vì ít ra mình đồng cảm và giúp đỡ được một ai đó.
Trừ những tổn thương tâm lý nặng nề cần quá trình điều trị, hỗ trợ "vá" lại tâm hồn, bạn trẻ nên hiểu đúng về chữa lành. Như Duy Anh nhận thấy, nếu mở lòng ra chia sẻ, bớt mong manh một chút, thì đâu cần phải chữa lành?
"Chữa lành" là nhu cầu, nhưng đừng quá đà
Theo Duy Anh, ngày nay giới trẻ phải đối mặt nhiều áp lực cuộc sống: chuyện việc làm, chuyện gia đình, tình cảm… Mỗi ngày, thời gian nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại đôi khi còn nhiều hơn trò chuyện trực tiếp, cởi mở với người thân, bạn bè.
"Chính sự mất kết nối này khiến chúng tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Ảnh hưởng của mạng xã hội và lối sống hiện đại khiến chúng tôi dễ tổn thương, stress, muốn được chữa lành", anh nói.
Xuất phát từ sự mong manh dễ vỡ này, bạn trẻ đã chi nhiều tiền cho các dịch vụ, khóa học chữa lành. Như N. cũng thừa nhận có lẽ chính sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nên loay hoay mãi trong guồng quay này.