Tổ chức Hợp tác Hồi giáo phản đối cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza
Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha đã phản đối các cuộc tấn công của quân đội Israel tại Dải Gaza, đồng thời và khẳng định sự hỗ trợ cũng như cam kết của OIC đối với người dân Palestine.
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) lần thứ 15 đã khai mạc ngày 4/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Sir Dawda Kairaba Jawara ở thủ đô Banjul của Gambia, với chủ đề “Tăng cường sự thống nhất và đoàn kết thông qua đối thoại vì sự phát triển bền vững.”
Phát biểu khai mạc sự kiện, Tổng thống nước chủ nhà Adama Barrow nhấn mạnh rằng hội nghị kéo dài 2 ngày này được tổ chức trong bối cảnh tình hình xung đột tại Dải Gaza đang diễn biến phức tạp, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định và hòa bình trên thế giới. Tổng thống Barrow kêu gọi OIC “hoạch định một con đường mới hướng tới hòa bình và hòa giải” cho vấn đề này.
Cũng phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thư ký OIC Hissein Brahim Taha đã phản đối các cuộc tấn công của quân đội Israel tại Dải Gaza, đồng thời và khẳng định sự hỗ trợ cũng như cam kết của OIC đối với người dân Palestine. Được thành lập vào năm 1969, OIC hiện có 57 quốc gia thành viên.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã lặp lại quan điểm phản đối của thế giới cũng như các quốc gia Arab đối với bất kỳ kế hoạch nào nhằm di dời người Palestine ra khỏi vùng đất của họ với mục đích xóa bỏ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine.
Ông Shoukry kêu gọi "lập trường kiên quyết" chống lại "những ảo tưởng" về việc xóa bỏ sự nghiệp của người Palestine. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ người Palestine cũng như các dân tộc Hồi giáo, Arab và các dân tộc trên thế giới tự do đã và sẽ không chấp nhận việc người Palestine bị ép buộc rời khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của họ, vì điều này vi phạm các công ước quốc tế.
Ông Shoukry nhấn mạnh việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô, là giải pháp không thể thiếu để đạt được hòa bình lâu dài và công bằng cũng như đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông.
Bộ Y tế ở Gaza ngày 4/5 cho biết kể từ ngày 7/10/2023, cuộc xung đột Israel-Hamas đã cướp đi sinh mạng của hơn 34.600 người Palestine và khiến hơn 77.900 người bị thương.
Các cuộc tấn công không ngừng của Israel đã gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng y tế ở Gaza và khiến phần lớn người dân nơi đây phải di tản đến thành phố Rafah giáp biên giới với Ai Cập.