Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tham gia nhóm chat đầu tư chứng khoán
Thời gian gần đây, công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán...
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư chứng khoán.
Thủ đoạn dụ dỗ các nhà đầu tư tham gia các nhóm, khóa học đầu tư chứng khoán
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết lợi dụng yếu tố tâm lý về lợi nhuận, sự thiếu hiểu biết của người dân, một số nhà đầu tư, các nghi phạm tự nhận là nhân viên công ty chứng khoán có tên tuổi.
Sau đó các nghi phạm thực hiện cuộc gọi đến và mời người dân tham gia các hội nhóm chat, các khóa học online về đầu tư chứng khoán.
Khi các nạn nhân đồng ý tham gia các nhóm chat, hội nhóm kín, kẻ lừa đảo tiếp tục giới thiệu những cơ hội đầu tư sinh lời cao, được mua các mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường.
Để nhận được các ưu đãi trên, các nghi phạm đã hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link website hoặc cài đặt các app ứng dụng trên thiết bị di động do chúng cung cấp.
Khi nạn nhân đăng ký tài khoản vào các website, app trên điện thoại, các nghi phạm tiếp tục lôi kéo nạn nhân tham gia vào các nhóm đầu tư trực tuyến theo từng mã cổ phiếu đang có tiềm năng trên thị trường chứng khoán.
Nhằm tạo niềm tin, kẻ lừa đảo đã cung cấp cho nạn nhân các giấy tờ pháp lý của quỹ đầu tư như giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, giấy phép kinh doanh hoạt động...
Theo Bộ Công an, những thông tin mà các nghi phạm đưa ra, các nạn nhân dễ dàng tra cứu, tìm thấy thông tin trùng khớp trên mạng Internet nên tin tưởng.
Đã có nhiều nạn nhân tin vào những hứa hẹn của các nghi phạm, nạp tiền vào ứng dụng và liên tục có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận gấp nhiều lần trong một vài phiên giao dịch đầu tiên.
Các nhà đầu tư cũng được xem nhiều tài khoản có lợi nhuận của các nhà đầu tư khác (là nick ảo do chúng tạo lập).
"Thực tế, đây là thủ đoạn tạo các giao dịch ảo để tạo niềm tin, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân gửi thêm tiền vào tài khoản đầu tư", Bộ Công an thông tin.
Tuy nhiên, khi nạn nhân muốn rút tiền thì ứng dụng báo lỗi hoặc báo chưa đủ hạn mức đối ứng của quỹ.
Lúc này, kẻ xấu sẽ không ngừng dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng...
Nhiều nạn nhân do đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản nên rất dễ bị thao túng tâm lý, phải chuyển thêm tiền nếu không sẽ bị mất số tiền đã nộp trước đó.
Khi thấy các nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các nghi phạm sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển vào app.
Khi phát hiện bị lừa đảo thì các nghi phạm đã xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm trên mạng xã hội và chặn liên lạc với nạn nhân.
Từ đó khiến công tác xác minh, truy tìm của công an gặp nhiều khó khăn do hầu hết các group chat đều có địa chỉ ở ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam.
Không làm theo lời dụ dỗ đầu tư chứng khoán trên không gian mạng
Bộ Công an khuyến cáo tuyệt đối không nghe, làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán.
Không tham gia vào các group chat, không đầu tư vào các website, app khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin chính thống như trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các trang thông tin điện tử về tài chính, ngân hàng…
Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động…
Trường hợp nghi vấn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân và nhà đầu tư cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời…