Hướng dẫn tự thay đèn hậu ô tô tại nhà
Chủ xe tự thay đèn hậu ô tô tại nhà không chỉ giúp cải thiện độ sáng, khắc phục hư hỏng mà còn phòng tránh vi phạm quy định giao thông.
Đèn hậu ô tô là gì?
Đèn hậu ô tô là bộ phận thuộc hệ thống vỏ xe, được thiết kế và sản xuất bằng chất liệu nhựa cao cấp với độ bền cao, có khả năng chịu được những cú va chạm mạnh.
Vị trí đèn hậu ô tô thường được đặt hai bên rìa của đuôi xe, với 2 màu đỏ và trắng lắp đối xứng nhau. Được làm từ chất liệu nhựa cao cấp, đèn hậu có độ bền cao dưới mọi điều kiện thời tiết, có khả năng chịu lực khi xảy ra va chạm mạnh.
Trên thị trường hiện có nhiều loại đèn hậu ô tô dành riêng cho từng mẫu xe khác nhau: đèn LED, đèn Halogen và đèn Xenon.
Dấu hiệu đèn hậu ô tô bị hư hỏng
Dưới đây là một số hiện tượng lỗi đèn hậu mà người lái dễ dàng nhận biết
Đèn hậu không hoạt động khi bật công tắc đèn pha
Khi bật đèn pha, đèn hậu không hoạt động có thể là do đuôi bóng đèn bị cháy hoặc chập. Trường hợp này các chủ xe thường hay bỏ qua, không để ý cho đến khi bị công an xử phạt hoặc người khác nhắc nhở.
Nứt hoặc vỡ phần nhựa
Đèn hậu ô tô thường được tạo thành bằng chất liệu nhựa polycarbonate, rất dễ bị vỡ khi va đập. Vì thế, việc tiếp xúc với ánh sáng và tia cực tím sẽ khiến lớp nhựa bảo vệ đèn bị đục hoặc mất màu.
Đèn phanh không hoạt động khi phanh
Đèn xe vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi nhấn phanh, bóng đèn hậu tắt hoàn toàn. Điều này đôi khi là do chập hệ thống đèn hậu hoặc cầu chì.
Cách tự thay đèn hậu ô tô tại nhà
Đèn hậu ô tô là một bộ phận dễ bị hư hỏng do va quẹt hoặc xuống cấp theo thời gian. Tự thay đèn hậu ô tô tại nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn phòng tránh vi phạm quy định giao thông.
Các bước thay đèn hậu
Bước 1: Tháo chốt phần đuôi đèn: Tùy thuộc vào sản xuất và kiểu dáng của chiếc xe, có thể cần phải tháo chốt đèn hậu khỏi xe để kiểm tra hoặc thay mới đèn hậu.
Bước 2: Mở khóa ổ cắm đuôi đèn: Xác định vị trí ổ cắm đèn hậu và vặn ngược chiều kim đồng hồ. Thao tác này sẽ mở khóa ổ cắm và dễ dàng tháo đèn hậu khỏi cụm đèn sau.
Bước 3: Kiểm tra hệ thống dây điện: Kiểm tra các ổ cắm và đầu nối của đèn để đảm bảo rằng hệ thống dây điện vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu của vết cắt hoặc vết gãy.
Bước 4: Tháo và kiểm tra bóng đèn: Kiểm tra bóng đèn có đế hình tròn hay hình chữ nhật. Nếu đế là hình chữ nhật, kéo thẳng bóng đèn ra khỏi ổ cắm. Nếu bóng đèn có đế tròn, hãy dùng ngón tay cái và ngón trỏ để vặn và mở khóa bóng đèn, sau đó nhẹ nhàng kéo bóng đèn ra khỏi ổ cắm. Kiểm tra bóng đèn bằng mắt thường để tìm các dấu hiệu của vết cháy trên kính cũng như tình trạng của dây tóc.
Bước 5: Thay bóng đèn mới: Chủ xe nên sử dụng găng tay để vân tay không bám vào làm mờ bóng đèn. Tiến hành xoay một góc 90 độ để lắp bóng đèn mới vào sao cho khớp với chuôi đèn.
Bước 6: Kiểm tra bóng đèn mới: Trước khi hoàn tất thay thế bóng đèn, hãy bật đèn hậu và kiểm tra ngay tại chỗ để đảm bảo rằng bóng đèn mới đang hoạt động tốt.
Bước 7: Lắp lại cụm đèn hậu: Lắp ổ cắm bóng đèn vào cụm đuôi đèn và vặn theo chiều kim đồng hồ cho đến khi khớp vào vị trí. Nếu cụm đèn hậu đã được tháo ra, hãy lắp đặt trở lại khoang và cố định bằng các đai ốc thật chắc chắn.
Đèn hậu ô tô hay bất kỳ bộ phận nào khác, qua thời gian dài sử dụng đều có thể bị hư hỏng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà người dùng sẽ tự sửa chữa để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên có thể gặp nhiều rủi ro nếu chưa nắm được các kiến thức cơ bản.
Lưu ý khi thay đèn hậu ô tô tại nhà
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, không gây rủi ro trong quá trình sử dụng, chủ xe cần lưu ý một số kinh nghiệm khi thay đèn hậu ô tô như sau:
Không nên tự ý thay tháo lắp đặt đèn hậu ô tô tại nhà nếu không am hiểu chuyên môn và nắm rõ quy trình. Nếu chủ xe cố ý thực hiện có thể làm hỏng cấu hình xe, chập cháy và các rủi ro khác. Trong trường hợp này, nên đến các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng.
Lựa chọn loại đèn hậu ô tô phù hợp, có khả năng chiếu sáng tốt, chất lượng bền bỉ, tương thích với đèn xe nguyên bản.
Mua đèn hậu ô tô tại cửa hàng phụ tùng xe hơi, gara hoặc trung tâm bảo dưỡng ô tô uy tín.
Theo quy định tại Khoản 2a Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu...