Góc nhìn

Chặn sử dụng lao động trẻ em trái quy định

DƯƠNG LAN 03/05/2024 05:30

Trẻ em lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất nhưng về lâu dài khó bù đắp được những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu.

374201678_807409944725360_2680595413393624510_n-1-(1).jpg
Luật Trẻ em 2016 đã xác lập rõ nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực lao động (ảnh minh họa)

Sau khi Fanpage Báo Hải Dương đăng tải thông tin một quán karaoke ở Gia Lộc bị phạt nặng vì sử dụng lao động chưa thành niên trái quy định, một số bạn đọc đã chỉ ra nhiều địa chỉ khác còn đang hoặc đã từng sử dụng cả lao động trẻ em.

Nhiều người hỏi, sử dụng lao động trẻ em như thế nào là trái pháp luật? Cha mẹ sai con làm việc nhà, có khi gồm cả những việc nặng nhọc thì có vi phạm pháp luật về lao động trẻ em hay không?

Quả thật, tại nhiều nơi ở Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, do hiểu biết về quy định sử dụng lao động trẻ em còn hạn chế nên có người vô tình vi phạm mà không hay biết. Có lần tới làng nghề da giày Hoàng Diệu (Gia Lộc), tôi thấy có một xưởng sản xuất thuê lao động trẻ em tới làm việc. Chủ xưởng sản xuất để các em làm các công việc như phun sơn, quét keo đế giày mà không hay biết về quy định không được cho trẻ dưới 13 tuổi tiếp xúc với hóa chất độc hại như sơn và keo. Chỉ đến khi cán bộ địa phương tới kiểm tra, nhắc nhở chủ xưởng mới biết và chuyển các em đi làm việc khác phù hợp hơn.

Trẻ lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội nhưng về lâu dài, lợi ích mang lại không thể bù đắp được sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội. Trẻ lao động sớm sẽ hạn chế cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em đã bị kẻ xấu lôi kéo làm việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số đơn vị liên quan, tại Việt Nam năm 2023 có gần 1 triệu trẻ em dưới 16 tuổi đang phải lao động trái pháp luật, chiếm 5,3% tổng số trẻ em trên cả nước. Trong đó có hơn 500.000 trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thậm chí, nhiều trẻ không những phải lao động cực nhọc mà còn bị bạo hành trong quá trình làm việc.

Câu chuyện thương tâm về cậu bé Trương Quang Duy, 14 tuổi ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi bị chủ quán bánh xèo ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) bạo hành cách đây mấy năm, hẳn nhiều người còn nhớ. Duy bị ép làm việc nhiều giờ, bị đánh đập, thậm chí bỏ đói và hứng chịu những trận đòn roi như thời trung cổ.

Tại Hải Dương, dù chưa có một đánh giá cụ thể nào về thực trạng lao động trẻ em nhưng qua bình luận của bạn đọc về thông tin xử phạt cơ sở sử dụng lao động trẻ em ở trên cho thấy thực tế vẫn có tình trạng này.

Năm 2021, UBND tỉnh Hải Dương ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hải Dương đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và lao động vị thành niên xuống còn 1% vào năm 2025 và dưới 1% vào năm 2030. Không để trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Luật Trẻ em 2016 đã xác lập rõ nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực lao động, cụ thể tại điều 26 quy định rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Song song với nguyên tắc trên của Luật Trẻ em 2016 thì Bộ luật Lao động 2019 cũng nêu rất rõ những quy định để bảo vệ lao động trẻ em tại Việt Nam. Những quy định này đều tương thích với các quy định về độ tuổi lao động của trẻ em theo Công ước 138 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Bộ luật Lao động năm 2019 cấm sử dụng lao động trẻ em làm việc trong ngành nghề tiếp xúc với hóa chất có hại. Trẻ em cũng không được làm việc quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần. Ngoài ra, khi sử dụng lao động trẻ em phải được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra, đánh giá và cho phép. Ngoài tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt môi trường, thời gian làm việc, nơi sử dụng lao động trẻ em còn phải đáp ứng các yêu cầu về lý lịch tự pháp và không có án tích về xâm hại trẻ em...

Khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì quy định sử dụng lao động trẻ em càng quan trọng. Để bảo vệ trẻ em, tuân thủ các hiệp định với quốc tế thì cần ngăn chặn ngay việc sử dụng lao động là trẻ em trái quy định.

DƯƠNG LAN