Microsoft đầu tư 2,2 tỷ USD phát triển AI và điện toán đám mây tại Malaysia
Ngày 1/5, tập đoàn Microsoft đã cam kết đầu tư 2,2 tỷ USD vào trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây để giúp Malaysia phát triển cơ sở hạ tầng AI.
Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft, ông Satya Nadella hiện đang công du 3 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia, để công bố một loạt khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu, AI và dịch vụ đám mây.
Phát biểu tại Kuala Lumpur, ông Nadella cho biết: “Hôm nay, Microsoft tuyên bố sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới để hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của Malaysia – khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử 32 năm của hãng vào quốc gia này”.
Theo Microsoft, số tiền trên sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng AI và điện toán đám mây ở Malaysia, tạo ra một trung tâm AI xuất sắc và đào tạo AI cho khoảng 200.000 người Malaysia. Ông Nadella nhấn mạnh: “Microsoft cam kết hỗ trợ chuyển đổi AI của Malaysia và đảm bảo AI mang lại lợi ích cho tất cả người dân Malaysia”. Theo ông, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng sẽ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng và nhà phát triển Malaysia áp dụng công nghệ mới nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới toàn diện trên khắp đất nước.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Malaysia, ông Zafrul Abdul Aziz nhận định việc Microsoft phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI thiết yếu, cùng với các cơ hội cải thiện kỹ năng về AI sẽ nâng cao đáng kể năng lực kỹ thuật số của Malaysia.
Cam kết đầu tư nói trên được đưa ra sau khi CEO của Microsoft vừa công bố khoản đầu tư 1,7 tỷ USD vào Indonesia và khu vực trung tâm dữ liệu đầu tiên của Thái Lan trong tuần này để thúc đẩy cơ sở hạ tầng đám mây và AI.
Nghiên cứu của công ty tư vấn toàn cầu Kearney cho thấy AI được kỳ vọng sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á vào năm 2030, trong đó Malaysia được dự đoán sẽ đóng góp hơn 1/10.
Microsoft bắt đầu hoạt động tại Malaysia vào năm 1992 và hiện có hơn 200 nhân viên tại các văn phòng ở Kuala Lumpur và phía Bắc bang Penang. Tập đoàn này đã được các nhà đầu tư đánh giá cao kể từ khi hãng tích cực triển khai AI tạo sinh, bắt đầu với mối quan hệ hợp tác trị giá 13 tỷ USD với OpenAI, cha đẻ của ChatGPT, vào năm 2023. Ông Nadella cho biết doanh số quý I/2024 của Microsoft đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 61,9 tỷ USD, với lợi nhuận ròng tăng 20% lên 21,9 tỷ USD. Việc sử dụng AI đã thúc đẩy doanh số các dịch vụ đám mây quan trọng của Microsoft như Azure, dịch vụ đã trở thành cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của hãng dưới sự lãnh đạo của ông Nadella.
Hoạt động này là một phần trong cam kết trang bị kỹ năng AI cho 2,5 triệu người tại các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2025 của Microsoft , vừa được công bố vào cuối tháng 4/2024.
Các sáng kiến nâng cao kỹ năng sẽ được thực hiện với sự hợp tác của chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp và cộng đồng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Cam kết của Microsoft phù hợp với kế hoạch ASEAN Digital Masterplan 2025 nhằm xây dựng nguồn nhân tài AI trong khu vực; tập trung vào 4 lĩnh vực: Xây dựng lực lượng lao động toàn diện, sẵn sàng cho kỷ nguyên của AI; thu hẹp khoảng cách tài năng an ninh mạng; nâng cao kỹ năng AI của nhà phát triển; và trao quyền cho các tổ chức phi lợi nhuận để tối đa hóa các tác động xã hội của họ.
Cụ thể, về xây dựng lực lượng lao động toàn diện, sẵn sàng cho AI, Microsoft sẽ giúp củng cố các hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên toàn khu vực ASEAN để cung cấp các kỹ năng AI với sự hợp tác của tổ chức ASEAN Foundation và các bộ giáo dục và đào tạo của 10 quốc gia thành viên, điều này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 644.000 sinh viên trường nghề.
Thông qua các chương trình AI TEACH for Indonesia và AI TEACH Malaysia, Microsoft và ASEAN Foundation sẽ cung cấp kỹ năng AI cho các sinh viên của các trung tâm dạy nghề. Microsoft cũng đang đào tạo về AI cho 100.000 thanh niên, những người yếu thế và những người đang tìm việc về AI, dữ liệu và bảo mật thông qua quan hệ đối tác hiện có với Kartu Prakerja, chương trình tiền việc làm lớn nhất ở Indonesia.
Ngoài ra, Microsoft cũng đang triển khai chương trình Kỹ năng AI cho Ngành Du lịch với sự hợp tác của Bộ Xã hội và Kinh tế số, Bộ Du lịch và Thể thao, Bộ Lao động và Viện Đào tạo Giáo dục Nghề nghiệp Công nghệ quốc gia Thái Lan. Sáng kiến này sẽ đào tạo 100.000 doanh nhân trẻ tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch trên khắp các tỉnh địa lý cấp nhỏ ở cả 5 khu vực của Thái Lan.
Tại Philippines, Microsoft cam kết trang bị cho 1 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 các kỹ năng về AI và an ninh mạng, đảm bảo các em có thể sẵn sàng cho công việc trong tương lai. Hơn nữa, Microsoft sẽ tăng cường hợp tác với Cơ quan Phát triển Kỹ năng và Giáo dục Kỹ thuật (TESDA) khi đầu tư vào một sáng kiến mới, trang bị cho 100.000 nữ sinh viên TESDA các kỹ năng về AI và an ninh mạng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy nguồn nhân tài đa dạng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Philippines.
Microsoft cũng sẽ mở rộng quan hệ đối tác với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc Châu Á Thái Bình Dương ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, giúp 570.000 thanh thiếu niên từ các cộng đồng yếu thế nâng cao khả năng có việc làm và sẵn sàng làm việc thông qua khả năng tiếp cận AI.
Về việc giúp thu hẹp khoảng cách tài năng an ninh mạng, là một phần của Sáng kiến nâng cao kỹ năng an ninh mạng toàn cầu, Microsoft đã thiết kế và quản lý các chương trình đào tạo với các tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp tạo ra những cơ hội cho các thanh thiếu niên có trình độ thấp tham gia vào ngành an ninh mạng. Chương trình Ready4AI&Security của Microsoft sẽ đào tạo 15.000 thanh thiếu niên ở Indonesia và Malaysia, tập trung vào việc tạo cơ hội cho phụ nữ xây dựng sự nghiệp an ninh mạng. Điều này sẽ bao gồm quyền truy cập vào các chứng chỉ và đào tạo về Bảo mật của Microsoft.
Về nâng cao kỹ năng AI cho các nhà phát triển để thúc đẩy đổi mới, để hỗ trợ cộng đồng các nhà phát triển gồm 7 triệu người trong khu vực ASEAN, Microsoft đã phát động chiến dịch Asia AI Odyssey, trong đó nêu bật cách các Kỹ năng ứng dụng AI của Microsoft xác thực các năng lực kỹ thuật cụ thể cần thiết để xây dựng các ứng dụng AI. Chiến dịch này đang diễn ra khắp châu Á và nhằm mục đích đào tạo 30.000 nhà phát triển ở các nước ASEAN, khuyến khích sử dụng nhiều hơn các dịch vụ AI trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Về trao quyền cho các tổ chức phi lợi nhuận để tối đa hóa tác động xã hội, tháng 6/2024, Microsoft sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo phi lợi nhuận đầu tiên để trang bị cho 1.500 nhân viên phi lợi nhuận kiến thức và kỹ năng về AI và công nghệ kỹ thuật số. Microsoft cũng sẽ cung cấp cho các tổ chức phi lợi nhuận ở các quốc gia ASEAN quyền truy cập vào Microsoft Resources Hub và LinkedIn for Nonprofits Resource Hub dành cho tổ chức phi lợi nhuận để giúp tối đa hóa tác động xã hội của họ và dẫn đầu sự thay đổi trong kỷ nguyên AI.