Giải mã "Hội chứng con gái đầu lòng"
"Hội chứng con gái đầu lòng" cho rằng con gái lớn thường phải vật lộn với trách nhiệm vượt xa độ tuổi khi đảm nhận vai trò tương tự cha mẹ mình.
Kati Morton, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Santa Monica, California, Mỹ gần đây trong một video Tiktok với hơn 6 triệu lượt xem đã liệt kê những dấu hiệu của "hội chứng con gái đầu lòng" gồm: Cảm giác mãnh liệt về trách nhiệm gia đình, xu hướng làm hài lòng mọi người và dễ nổi giận với những người em ruột.
Cách đây hơn một năm, trên mạng xã hội X từng có một câu hỏi được nhiều người quan tâm "Bạn có hạnh phúc khi là con đầu và là con gái?".
Rất nhiều người bình luận dưới bài viết rằng họ thường xuyên tự nhận thấy phải gánh vác trách nhiệm trong gia đình cũng như biết cách nhường nhịn để làm hài lòng người khác. Trong số các anh chị em, chị cả cũng có xu hướng phải đối mặt với những kỳ vọng cao hơn về thành tích, hành vi và trách nhiệm mà cha mẹ đặt ra. Thậm chí, họ cũng được giao những công việc trong gia đình mà các em nhỏ không bao giờ được giao.
Điều này cũng đặt con gái đầu vào vị trí chuyên đóng vai kẻ xấu trong nhà khi bị các em mô tả là hách dịch hoặc độc đoán. Không những thế, họ còn phải đối mặt với sự đổ lỗi từ cha mẹ khi mọi việc không diễn ra theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, Kati Morton lại cho rằng không nên quá tin tưởng vào việc phân tích tâm lý chỉ dựa trên thứ tự sinh trong gia đình, cũng như đánh giá quá mức tầm quan trọng của nó lên tính cách và kết quả lâu dài của mỗi người.
"Với một số người thứ tự sinh có ý nghĩa tất cả, nhưng người khác lại phản bác vì cho rằng không có bằng chứng cụ thể nào cả", Kati Morton nói.
Từ trước tới nay, mọi người luôn có định kiến con đầu lòng là những người đáng tin cậy và thường đạt thành tích cao; con giữa là những người thân thiện và nổi loạn (hoặc bị bỏ qua); con út là những đứa trẻ dễ thương, khôn khéo và nhiều mưu mẹo.
Xét về mặt khoa học, các nghiên cứu trước đây cũng từng chỉ ra mối liên hệ giữa thứ tự sinh trong gia đình, bao gồm trình độ học vấn, chỉ số thông minh (IQ), khả năng chấp nhận rủi ro tài chính, thậm chí là cả khả năng tham gia các môn thể thao nguy hiểm.
Dù vậy, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Houston Rodica Damian cho rằng, những đứa con lớn có thể trông đáng tin cậy hơn hoặc thông minh hơn các em đơn giản là vì chúng trưởng thành hơn. "Những nghiên cứu khác về thứ tự sinh cũng không phản ánh sự khác biệt giữa anh chị em trong một nhà", chuyên gia nói.
Trong các phân tích quy mô lớn hơn, mối liên kết giữa thứ tự sinh và đặc điểm tính cách ngày càng mờ nhạt. Một nghiên cứu năm 2015 với hơn 20.000 người ở Đức, Anh và Mỹ cũng không tìm thấy mối liên hệ nào giữa thứ tự sinh và đặc điểm tính cách. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy anh chị lớn có chút lợi thế về IQ.
Tiến sĩ Rodica Damian cũng từng thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn khác, được công bố năm 2015 với hơn 370.000 học sinh trung học ở Mỹ tham gia. Dù nghiên cứu này cũng tìm ra những khác biệt nhỏ về tính cách và trí thông minh giữa anh chị em trong gia đình nhưng vì quá nhỏ nên cơ bản được coi là vô nghĩa.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Rodica Damian không thuyết phục được một số người khi họ vẫn khẳng định thứ tự sinh đã định trước vai trò của anh chị em trong gia đình. Rodica Damian sau đó đã xuất hiện trong một chương trình radio và nghe mọi người cùng tranh luận.
"Một số người thể hiện sự bực tức với nghiên cứu của tôi và khẳng định 'Tôi là con đầu lòng và tôi tận tâm, chu đáo hơn các em mình'. Nhưng ngay sau đó có người khác sẽ gọi đến và nói: 'Tôi sinh sau và tôi chu đáo hơn anh chị mình", tiến sĩ kể lại.
Sara Stanizai là nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Long Beach, California, Mỹ đang điều hành nhóm trực tuyến tổ chức cuộc gặp gỡ hàng tuần. Nhóm này là nơi người tham gia suy ngẫm về việc họ tin rằng thứ tự sinh đã ảnh hưởng đến bản thân như thế nào, và nó có thể tiếp tục định hình cuộc sống của họ ra sao, từ tình yêu, tình bạn cho đến sự nghiệp.
Những cuộc thảo luận được lấy cảm hứng từ chính Sara Stanizai khi cô cũng là con gái lớn trong một gia đình người Mỹ gốc Afghanistan. Bản thân Sara Stanizai cho rằng, gia đình là nơi cô bị "phụ huynh hóa" khi bản thân phải có trách nhiệm rất lớn đối với các em mình.
Mặc dù Sara Stanizai thừa nhận việc nghiên cứu về thứ tự sinh chưa thống nhất, nhưng cô lại thấy nó hữu ích với nhiều khách hàng của mình khi họ suy ngẫm về thứ tự sinh và tin rằng nó định hình cuộc sống gia đình của họ - đặc biệt nếu họ cảm thấy bị bó buộc hoặc bị đè nặng bởi kỳ vọng nhất định.
Nhóm trị liệu của Sara Stanizai cũng dành nhiều thời gian để suy ngẫm về những câu hỏi như: "Gia đình nhìn nhận tôi thế nào?"; "Tôi nhìn nhận bản thân mình thế nào?" hay "Liệu có thể thảo luận về những khác biệt này theo quan điểm của chúng ta và cách chúng hình thành nên khuôn mẫu, mối quan hệ trong gia đình không?". Ví dụ những người con lớn có thể kể về việc họ thường là người lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của gia đình. Những người em lại chỉ ra bản thân cảm thấy áp lực khi phải làm theo bất kỳ điều gì mà anh chị mình mong muốn.
Một số chuyên gia trong nhóm trị liệu của Sara Stanizai thừa nhận việc tìm bằng chứng cho thấy thứ tự sinh quyết định đặc điểm tính cách thực sự không quan trọng.
"Tôi nghĩ mọi người chỉ đang tìm kiếm ý nghĩa và sự hiểu biết về bản thân để tìm cách mô tả những trải nghiệm của họ", Stanizai nói.