Đám đông biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ cảnh sát, hơn 200 người bị bắt
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắn hơi cay, đạn cao su vào đám đông và bắt giữ hơn 200 người tham gia biểu tình nhân Ngày Quốc tế lao động 1/5 ở thành phố Istanbul.
Theo hãng tin AFP, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hơi cay và đạn cao su cũng như bắt giữ hơn 200 người tham gia vào cuộc biểu tình hôm 1/5. Như một “sự kiện thường niên”, cứ đến Ngày Quốc tế lao động 1/5, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại đổ xuống đường để biểu tình ở quảng trường Taksim, trung tâm Istanbul.
Tuy nhiên, bất chấp Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cấm người dân tụ tập biểu tình vào ngày 1/5 tại quảng trường Taksim, người dân hằng năm vẫn đổ ra quảng trường để "kỷ niệm" Ngày Quốc tế lao động.
“210 người bị giam giữ ở Istanbul vì không lưu tâm đến cảnh báo của chúng tôi, cố gắng đi bộ đến quảng trường Taksim (tức nơi diễn ra cuộc biểu tình) và tấn công các sĩ quan cảnh sát trong Ngày Quốc tế lao động và đoàn kết 1/5”, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Sarachane thông báo trên mạng xã hội X.
Năm nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hơn 40.000 cảnh sát khắp Istanbul để ngăn chặn người biểu tình tụ tập.
Thậm chí, cảnh sát cũng túc trực và dựng hàng rào kim loại tại những con đường nhỏ.
AFP ghi nhận cảnh sát Istanbul đã đụng độ với những người biểu tình gần tòa thị chính ở quận Sarachane, Istanbul.
Phía cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để ngăn những người biểu tình quá khích vượt qua hàng rào chắn trước tòa thị chính.
Bà Arzu Cerkezoglu, Tổng Thư ký Liên đoàn Lao động Công đoàn Tiến bộ Thổ Nhĩ Kỳ (DISK), một trong hai liên đoàn lao động lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết họ tổ chức biểu tình là có “cơ sở pháp lý”.
“Chúng tôi biểu tình nhằm thể hiện mong muốn kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5 tại quảng trường Taksim và chúng tôi làm việc này là có cơ sở pháp lý”, bà Cerkezoglu nói.
“Sở dĩ chúng tôi chọn quảng trường Taksim vì nơi này là một biểu tượng quan trọng đối với chúng tôi. Taksim có nghĩa là ngày 1/5, Taksim có nghĩa là ‘lao động’”, bà Cerkezoglu nói thêm.
Quảng trường Taksim là nơi người dân tụ họp tổ chức các sự kiện nhân Ngày Quốc tế lao động 1/5. Tuy nhiên, trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1977 có ít nhất 34 người thiệt mạng khiến các nhà chức trách phải cấm biểu tình tại quảng trường trên.
Đến năm 2010, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa lại quảng trường Taksim.
Vừa được mở cửa chưa bao lâu, đến năm 2013, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm tụ tập tổ chức biểu tình tại quảng trường Taksim bởi trước đó các cuộc biểu tình chống lại chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng được tổ chức trên chính quảng trường này. Và lệnh cấm được duy trì cho đến ngày nay.
30 người bị thương do tai nạn trong cuộc diễu hành ở Đức
Cũng trong Ngày Quốc tế lao động 1/5, cảnh sát Đức ghi nhận khoảng 30 người bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng sau khi một chiếc phao được kéo bằng máy bị lật trong cuộc diễu hành.
Theo lời các nhân chứng, cái phao bị lật khi chiếc máy kéo đang rẽ sang lối khác. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 13 giờ 5 (theo giờ địa phương) ở gần thị trấn Kandern, bang Baden-Württemberg, miền tây nam nước Đức.
Do vụ việc ở gần Thụy Sĩ nên một số máy bay trực thăng từ phía Thụy Sĩ đã đến hiện trường để hỗ trợ cho các nạn nhân bị thương.