Ẩm thực

Thơm ngon bánh tro chấm mật

MINH NGUYÊN 30/04/2024 07:22

Bánh tro là đặc sản của miền sơn cước, nổi tiếng ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng… Ở Hải Dương cũng có món ăn khoái khẩu này.

z5382128829073_ee373f1d97fd6f06b5c548e13e2c4e55-dc484ff5f97b571580dc89f2e30919c4(1).jpg
Bánh tro thơm ngon, mùa hè ăn rất mát

Ở Hải Dương không có nhiều người làm bánh tro.

Bà Bùi Thị Thụ ở phố Lê Viết Hưng, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) năm nay đã 76 tuổi nhưng còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Bà Thụ quê ở Hải Phòng, lấy chồng ở Lạng Sơn. Khi làm dâu ở Lạng Sơn, bà cùng nhiều chị em đã làm bánh tro, rao bán ở chợ. Sau khi chồng mất, bà về Hải Dương sinh sống, ở gần các con và mang theo nghề này về đây túc tắc làm như một thú vui tuổi già. Mỗi tháng bà Thụ làm bánh tro 2 lần vào ngày mùng 1 và rằm, mỗi lần làm khoảng 500 chiếc, bán vèo cái hết.

Làm bánh tro cầu kỳ hơn làm bánh chưng. Bánh tro muốn thơm ngon buộc phải có lá chít. Loại lá này chỉ ở vùng núi mới có. Cứ khi nào chuẩn bị làm bánh bà sẽ nhờ anh chị em ở Lạng Sơn gửi lá xuống. Lá rửa sạch cho vào luộc rồi đặt vào ngăn đá, hôm sau lấy ra gói vừa đanh vừa bền. Gạo làm bánh là gạo nếp loại ngon. Thứ không thể thiếu khi làm bánh là nước tro. Tro được đốt từ một loại cây ở rừng, sau đó cho nước vào lọc qua lớp vải màn cho đến khi nước có màu vàng trong và nếm có vị hơi mặn mới được. Nếu nước tro quá mặn, bánh sẽ bị nồng. Vì thế phải là người có nghề mới nếm chuẩn vị nước tro. Gạo nếp cho vào ngâm với nước tro trong 10 tiếng, sau đó để ráo nước mới mang gói bánh. Cứ 3 lá chít gói bên trong, 1 lá rong gói bên ngoài mới được một chiếc bánh. Lá chít gửi về nếu nhiều bà Thụ lại cắt đầu đuôi, rửa sạch sẽ để vào tủ đá bảo quản cũng được vài tháng, khi bỏ ra gói vẫn như mới. Sau khi gói bánh xong cho vào nồi luộc khoảng 5 tiếng mới được. Bánh tro thường được gói dài giống như chiếc chuôi liềm, hoặc hình khối tam giác.

z5382128862273_ffccb69577b519d425d08cc20585edb0.jpg
Bà Bùi Thị Thụ là người làm bánh tro hiếm hoi ở Hải Dương

Nói đến bánh tro không thể thiếu nước chấm. Đó là mật mía hoặc nước đường đã nấu. Bánh chấm mật mía thường thơm, ngon hơn nước đường. Khâu nấu nước chấm cũng rất cầu kỳ. Mật hoặc đường cho lên bếp nấu, phải quấy đều tay, nhỏ lửa tầm 2 tiếng mới tắt bếp. Nếu không biết cách nấu nước, đường hoặc mật sẽ cô cứng lại hoặc không để được lâu.

Ở nhiệt độ thường, bánh tro có thể để được 3 ngày, nếu để trong tủ lạnh có thể được 6 ngày. Dù tuổi đã cao nhưng bà Thụ vẫn muốn làm bánh vì đây là món nghề bà học được từ quê chồng, không muốn mai một đi. Mỗi lần bà làm đều có nhiều người ăn quen đã đặt trước.

z5382128852817_fc5420be2a7a0efade850bae7af4af2a.jpg
Chiếc bánh tro khi luộc chín là một khối bột trong có màu vàng, chấm với mật mía rất thơm ngon

Ở TP Hải Dương, bánh tro thường được bán ở một số phố như: Mạc Thị Bưởi, chợ đông Ngô Quyền, phố Tuy An, Tuy Hòa. Chị Nguyễn Thị Hà (TP Hải Dương) cho biết bố mẹ chị ở quê rất thích ăn bánh này. Vì thế cứ cuối tuần dù có bận thế nào chị cũng tranh thủ ra chợ mua bánh về cho bố mẹ. Bánh tro vừa là món ăn lưu giữ hương vị truyền thống, vừa là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo.

MINH NGUYÊN