Nghỉ lễ để… chơi game!
Trong những ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, nhiều bạn trẻ ở Hải Dương ngốn nhiều thời gian vào các trò chơi điện tử (game online).
Không biết làm gì nên... chơi game
7 giờ 30 sáng 27/4, quán game trên đường Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) đã đông khách hơn thường ngày. Để khám phá, tôi quyết định chọn ngồi một máy tính. Kế bên tôi là một cậu học sinh. Lân la hỏi thăm tôi biết tên em là T.A. ở TP Hải Dương, em tranh thủ chơi game ngay ngày đầu nghỉ lễ vì ngày 30/4 sẽ đi du lịch với gia đình. Nói xong, T.A. nhanh chóng lao ngay vào trận chiến trong trò chơi trên màn hình với đầy hình ảnh, âm thanh hỗn độn.
Mỗi người vào quán internet chơi game trung bình mỗi giờ phải trả từ 5.000-8.000 đồng, được ngồi chơi với điều hòa mát lạnh. Đối với các game thủ, việc bỏ vài chục nghìn đồng để “cày” hằng ngày là điều bình thường, chưa tính tiền nạp thẻ game.
Câu hỏi đặt ra là các em lấy tiền ở đâu để chơi? Gia đình quản lý con em như thế nào?
Với câu hỏi này, một em học sinh cho biết: “Đợt này được nghỉ dài, lại đông đủ nhóm nên bọn em có thời gian tụ tập cày cho lên cao thủ chứ ở nhà có biết làm gì đâu. Tiền thì bố mẹ cho chúng em ăn sáng, thỉnh thoảng được điểm tốt thì bố mẹ thưởng thêm…”.
Hiện nay, trong các quán game thường có luôn khu bếp nấu ăn với đủ các món như cơm rang, bánh mì, nước ngọt phục vụ game thủ chơi thâu đêm suốt sáng. Chỉ với một chiếc bánh mì kẹp thịt trên tay cùng chai sting vàng, nhiều bạn trẻ vừa ăn vừa chơi, thỉnh thoảng lại văng tục.
Đam mê quá đà
Tối 28/4, em N.V.B. ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) tổ chức sinh nhật tại nhà sau đó cùng nhóm bạn rủ nhau đến quán game để chơi FC Online – một trò chơi bóng đá. Cả nhóm có B. cùng 3 người bạn khác chia thành 2 đội để chơi game bóng đá “cá độ” bằng cách đội nào thua sẽ trả tiền máy, tiền nước ngọt.
“Vì nghỉ lễ không phải học bài nên chúng em có nhiều thời gian hơn. Các trò chơi thường xuyên có sự kiện nạp tiền thì được nhiều hơn, treo máy càng nhiều thì càng nhận được nhiều quà như cầu thủ, trang phục cho nhân vật, vị tướng mà mình yêu thích…”, em B. cho biết thêm.
Không chỉ tại quán game, hiện nay nhiều gia đình có điều kiện nuông chiều con nên mua cho con điện thoại thông minh, đắt tiền mà không quản lý. Sẵn điện thoại trong tay, các em đang tuổi đi học dễ dàng dùng để chơi game.
Những em nhỏ chưa có điện thoại thì mượn của bố mẹ, cô chú, anh chị để chơi game. Một số loại game có đồ họa rất sống động như PUBG Mobile, liên quân, Free Fire, Asphalt 8… khiến các em khi chơi chỉ biết cắm đầu vào màn hình mà không để ý đến những sự việc đang xảy ra xung quanh mình. Khi đang chơi dở mà bố mẹ gọi đến tên thì đa phần các em đều nấn ná lại để chơi cho xong mới đứng lên hoặc tỏ thái độ khó chịu với người những người xung quanh.
Thực tế nếu chơi game điều độ thì không phải việc xấu vì sau những ngày học tập căng thẳng, chơi game có thể giúp đầu óc thoải mái hơn. Nhưng cái khó nhất là game có sức hấp dẫn rất lớn đối với các bạn trẻ, với các em thiếu bản lĩnh, khi đã chơi rất khó dừng lại.
Hậu quả của những trẻ em thường xuyên chơi game, nghiện game mà thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến học hành sa sút, bỏ học, trộm cắp, cướp của để lấy tiền chơi game.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các gia đình thường bận bịu liên hoan, họp lớp, cỗ bàn, học sinh lại không phải đến trường nên các em thường dễ sa đà vào các trò chơi điện tử.