Xem - Nghe - Đọc

Gặp lại nữ biệt động trong 'Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình'

TN (Tổng hợp) 28/04/2024 12:00

Sau chiến tranh, cô Năm Lan, nữ biệt động xuất hiện trong phim nổi tiếng 'Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình', làm một cán bộ bình thường, lập gia đình năm 43 tuổi.

Cô Năm Lan với tấm hình anh Út Nhị tại nhà riêng. Ảnh chụp tháng 4/2023. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Cô Năm Lan với tấm hình anh Út Nhị tại nhà riêng. Ảnh chụp tháng 4/2023. Ảnh: Trần Nguyễn Anh

Bộ phim lịch sử nổi tiếng thế giới “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” ghi lại hình ảnh một nữ biệt động thành chiến đấu và bị bắt trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Cô Việt Cộng nhỏ bé ấy khiến cả thế giới kinh ngạc về sự dũng cảm trước mũi súng kẻ thù.

Ước mơ giải phóng

Nữ biệt động đó có tên thật là Nguyễn Thị Hiền, xuất thân từ một gia đình nghèo ở đô thị Sài Gòn.

Gia đình chúng tôi ai cũng vất vả mưu sinh nên tôi chỉ học hết cấp một. Tôi xin vào làm công nhân trong nhà máy dệt. Chúng tôi bị bóc lột rất thậm tệ. Không riêng tôi mà tất cả công nhân đều bất bình, đứng lên đấu tranh, nhưng chúng tôi đã bị đàn áp dã man. Từ đó, tôi nung nấu ý chí đi theo cách mạng với ước mơ đánh đuổi bọn bóc lột, trả lại sự công bằng cho người lao động nghèo”, cô nói.

Cô Việt Cộng 19 tuổi Năm Lan trong bộ phim “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình”. (Ảnh chụp lại từ bộ phim)
Cô Việt Cộng 19 tuổi Năm Lan trong bộ phim “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình" (Ảnh chụp lại từ bộ phim)

Cô bé Hiền liên hệ với các anh chị hoạt động phong trào trong nhà máy xin được thoát ly đi kháng chiến. Ngày từ biệt gia đình, bố mẹ cô bảo: “Con đã quyết, bố mẹ không nói gì thêm, chỉ có lời khuyên con đã làm gì thì gắng làm tới cùng, đừng dang dở, con sẽ không phải hối tiếc”.

Nguyễn Thị Hiền được nhận vào tổ chức bí mật là Thành đoàn Sài Gòn Gia Định làm giao liên với biệt danh Năm Lan.

Thủ trưởng trực tiếp của cô Năm Lan là anh Năm Trọng cho biết: “Năm Lan là một chiến sỹ đa năng, cực kỳ dũng cảm”.

Ông Năm Trọng, Chỉ huy trưởng Đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi nhớ lại: Đội của chúng tôi thành lập năm 1965, đi đánh trận liên tục đến Mậu Thân. Năm Lan có lợi thế là tuổi đã 19 nhưng lại nhỏ con, bề ngoài như thiếu niên nên địch ít nghi ngờ. Tất cả các nhiệm vụ được giao, Năm Lan đều hoàn thành xuất sắc”.

Năm Lan vừa làm giao liên, vừa vận chuyển vũ khí lại vừa trực tiếp chiến đấu. Sở trường của cô là chiến đấu bằng lựu đạn.

Đám hỏi và lời thề son sắt

Chỉ huy trưởng Năm Trọng cho biết: “Đơn vị chúng tôi có cả nam và nữ, nhưng chủ yếu là nam. Anh Út Nhị người dong dỏng cao là một trong những chiến binh thiện chiến, đem lòng yêu Năm Lan. Đơn vị làm một đám hỏi cho họ trong rừng”.

Cô Năm Lan còn nhớ như in:Đám hỏi được tổ chức trong lán. Chúng tôi công khai tình cảm trước mọi người, nhưng cũng nói rõ là khi nào chiến thắng, hòa bình thống nhất mới làm đám cưới. Lễ tổ chức xong, ai về hầm người ấy. Từ đó về sau, chúng tôi cũng không sống chung với nhau một ngày nào, dù danh nghĩa chúng tôi đã là vợ chồng. Cả hai đều mong muốn cống hiến nhiều cho cuộc chiến đấu của dân tộc và mong đợi ngày độc lập”.

Trong chiến dịch Mậu Thân ác liệt, Út Nhị và Năm Lan được phân công về chung một tổ. Họ trực tiếp cùng quân chủ lực đánh địch từ đêm giao thừa Mậu Thân liên tục đến mấy ngày sau. Cuộc chiến đấu diễn ra trên các góc phố, vô cùng ác liệt và đơn vị có người đã hy sinh.

Đêm mồng 4 Tết, quân chủ lực của ta được lệnh rút ra khỏi nội thành, riêng Đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi của Thành Đoàn nhận nhiệm vụ ở lại nội thành để tiếp tục hoạt động. Họ tự tìm cách thoát khỏi sự vây bọc của kẻ thù để về các cơ sở trong thành phố.

Chỉ khóc một lần

Tổ của cô Năm Lan có bốn người. Chỉ huy là chú Bảy Tươi (thường gọi là Bảy Nhơn), hai tổ viên là Năm Lan và Út Nhị (còn gọi là Năm Nhật) và một thương binh là anh Hai Dũng (Bộ đội tiểu đoàn 6).

Cô Năm Lan kể: “Tổ chúng tôi có hai khẩu AK, nhưng anh Dũng thương binh không chiến đấu được, chú Bảy Tươi thì nói chỉ biết bắn súng ngắn nên giao cho anh Út Nhị và tôi mỗi người cầm một khẩu AK”.

Năm Lan tuy là nữ nhưng là đội viên võ trang nên sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí. Họ di chuyển qua đường và gặp một chiếc xe Jep chở hai lính Mỹ. Năm Lan hỏi chỉ huy: “Có bắn không?”. Chú Bảy Tươi lệnh: “Bắn đi”. Năm Lan nổ súng và tiêu diệt hai lính Mỹ.

Cô Năm Lan nhớ lại: “Sau mấy ngày xảy ra chiến sự, người dân đã khóa cửa đi khỏi quận 5. Chúng tôi dùng lưỡi lê đục tường và chui vào một ngôi nhà ở đường Minh Mạng (đường Ngô Gia Tự ngày nay) để ẩn nấp. Không ngờ địch trên máy bay trực thăng quan sát thấy và chúng bắt đầu kêu loa gọi đầu hàng, nếu không sẽ giết hết”.

Chú Bảy Tươi họp, nói: “Chúng ta sẽ chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chú và Hai Dũng ở dưới, Năm Lan và Út Nhị lên gác cùng nhau chiến đấu”.

Không thấy quân ta đầu hàng, địch bắt đầu ào ạt xả đạn. Súng của chúng từ trên trực thăng, từ các vị trí trên cao và dưới thấp đồng loạt dội vào khu phố nhỏ, kể cả súng phun lửa. Các ngôi nhà đua nhau sụp đổ, nát vụn, lửa cháy khắp nơi.

Út Nhị và Năm Lan được ở gần nhau trong phút sinh tử và họ cố gắng tâm sự với nhau lần cuối cùng. Cô Năm Lan kể: Anh Út Nhị nói: Năm Lan ơi, chúng ta vừa là đồng chí vừa là người yêu. Chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không để địch bắt sống. Anh hy sinh thì Năm Lan tiếp tục chiến đấu. Nếu Năm Lan hy sinh thì cũng hoàn thành nhiệm vụ”.

Anh Út Nhị trúng đạn, Năm Lan chỉ có mấy viên thuốc cầm máu, nhưng máu ra nhiều quá. Út Nhị nói: “Năm Lan ơi, chắc anh hy sinh, anh không sống nổi. Anh hy sinh, anh hoàn thành nghĩa vụ với Đảng với dân. Em mới hai mươi tuổi hãy cố gắng chiến đấu với anh em”.

Cô Năm Lan không bao giờ quên hình ảnh cuối cùng: “Út Nhị hy sinh mà không nhắm mắt, tay cứ cầm chặt khẩu súng. Tôi khóc hết nước mắt, cả đời tôi chỉ khóc một lần là lúc ấy. Tôi nói: Anh qua đời rồi, hãy đưa súng cho em, đạn còn hai băng, em chiến đấu tiếp. Khi đó Út Nhị mới nhắm mắt và thả súng ra cho tôi”.

Ông Năm Trọng và tấm bản đồ ghi lại các trận chiến đấu của lực lượng võ trang Thành Đoàn cùng bộ đội trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh)
Ông Năm Trọng và tấm bản đồ ghi lại các trận chiến đấu của lực lượng võ trang Thành Đoàn cùng bộ đội trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân. (Ảnh: Trần Nguyễn Anh)

Sẵn sàng hô khẩu hiệu

Năm Lan mang khẩu AK của Út Nhị xuống báo cáo với chỉ huy. Chú Bảy Tươi quyết định rời khỏi căn nhà. Máy bay địch quần trên trời kêu gọi đầu hàng. Địch bắn theo, đạn lủng nhiều lỗ quần của Năm Lan. Quay lại không thấy anh Dũng thương binh đâu nữa, có lẽ anh đã hy sinh.

Chú Bảy Tươi và Năm Lan băng qua đường vào một lò bánh mỳ. Bấy giờ, bốn phía địch đã bao vây và quan sát mọi hành động của hai người Việt Cộng.

Cô Năm Lan kể: “Chú Bảy Tươi đưa tôi vào lò bánh mỳ, cho tôi nấp vào một cái máng. Tôi vẫn mang theo khẩu súng dù đã hết đạn do không muốn vũ khí rơi vào tay địch”.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh chú Bảy Nhơn vẫn còn đó trong tâm trí người nữ biệt động.

Cô Năm Lan nói: Chú Bảy Nhơn bảo đồng chí cứ nấp ở cái máng này, chờ đến tối để gặp bộ đội ta nhé. Chú cho Năm Lan ít tiền. Tôi dứt khoát không lấy tiền của chú. Sau đó, chú Bảy Nhơn bò sang căn nhà khác, cách khoảng 10 m, để đánh lạc hướng địch. Tôi thấy chú bất ngờ đứng lên, cởi trần, tay xé những đồng tiền, dứt khoát không cho chúng rơi vào tay địch. Súng giặc từ các hướng đồng loạt bắn xối xả và chú ngã từ nóc nhà xuống. Sau đó, địch tràn vào, trèo lên máng bắt tôi”.

Địch xông vào đánh Năm Lan. Cô đã sẵn sàng hy sinh: “Một tên lính móc súng ra tính bắn. Tôi chuẩn bị hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Vừa khi ấy có một tên lính khác nói: Nó là con nít. Mê chơi theo Việt Cộng thôi, thế là tên kia chửi thề, cất súng đi”.

Lúc sau, bọn lính thả người dân về và đưa Năm Lan đến nhà giam.

Thấy lại chính mình

Cô Năm Lan không nghĩ mình còn sống sau chiến dịch Mậu Thân và không bao giờ nghĩ hình ảnh mình sẽ được chiếu khắp thế giới:Khi tôi bị bắt, tôi chỉ có lòng căm thù giặc. Đội của tôi mọi người hy sinh hết, còn lại mình tôi. Người tôi yêu chết trên tay. Khi ấy, tôi thấy mấy phóng viên nước ngoài và nhiều lính Mỹ. Tôi nghĩ họ sẽ bắn tôi tại chỗ, nhưng cuối cùng họ đã đưa tôi ra giam ở Côn Đảo”.

Chiến tranh qua đi. Năm 1983, bộ phim do nhà sử học, nhà báo Stanley Karnow thực hiện mang tên Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình dài 13 tập được chiếu khắp thế giới (riêng tại Mỹ, trung bình có gần 10 triệu khán giả theo dõi mỗi tập phim, là một kỷ lục về phim tài liệu). Khi ấy, nhiều người mới đi tìm xem nhân vật nữ biệt động bị bắt trong Mậu Thân là ai? Hình ảnh cô Việt Cộng 19 tuổi, ấy toát lên sức sống, sự can đảm và cả lòng nhân hậu trước họng súng quân thù.

Chính một nữ nhà báo Mỹ đã tìm đến tôi và thông báo rằng tôi xuất hiện trong bộ phim 'Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình' đang xôn xao nước Mỹ. Tôi nghe vậy chứ chẳng có phim để xem. Mãi đến khi nhà nước mua bản quyền bộ phim và chiếu trên ti vi thì tôi mới thấy lại hình ảnh tôi bị bắt như thế nào và cảnh chú Bảy Tươi hy sinh nữa”.

Sau chiến tranh, cô Năm Lan làm một cán bộ bình thường ở huyện và lập gia đình năm 43 tuổi, có một đứa con gái. Nay cô đã “lên chức” bà ngoại.

Điều đặc biệt là gia đình cô vẫn thờ anh Út Nhị, người chồng chưa bao giờ cưới của Năm Lan. Cô nói: Mẹ anh Út Nhị được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cả gia đình vẫn gọi tôi là con dâu của họ. Chúng tôi đã chiến đấu vì độc lập thống nhất của đất nước và mọi người không bao giờ quên anh Út Nhị”.

Trò chuyện với phóng viên, cô Năm Lan nhắn gửi: “Chúng tôi chiến đấu không quản hy sinh. Khi địch bắt, đánh, tôi không khóc đâu. Xem phim mọi người đều thấy rõ. Nhưng tôi vẫn muốn gửi lời cảm ơn tới người lính cộng hòa đã cứu mạng sống tôi nhờ một lời nói trong ngày hôm ấy. Lòng tôi thực sự chỉ có sự căm giận, nên tôi cũng chẳng ngẩng lên nhìn và không biết người cứu tôi hôm ấy là ai”.

TN (Tổng hợp)