Thách thức khi phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông
Khó xác minh người vi phạm do xe mua đi bán lại không sang tên, chủ xe "phớt lờ" nộp phạt vì không phải đăng kiểm xe... là những lý do khiến phạt nguội xe máy khó khăn.
Tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu tăng cường kiểm soát, phạt nguội đối với người đi xe máy. Xe máy chiếm tới 80-90% số phương tiện lưu thông trên đường, do vậy nếu cải thiện được hành vi của người đi xe, sẽ kéo giảm tai nạn giao thông hơn nữa trong thời gian tới.
Phạt nguội là hình thức xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera an ninh được lắp trên các tuyến đường. Tuy nhiên, việc phạt nguội đối với xe máy thời gian qua ở nhiều tỉnh thành gặp nhiều thách thức.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc triển khai phạt nguội người đi xe máy vi phạm từ giữa tháng 9/2023, đến nay phát hiện gần 5,9 triệu lượt người đi xe máy vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, đơn vị này mới xử lý được gần 1.800 trường hợp.
Tương tự, qua hơn 7 tháng triển khai phạt nguội xe máy vi phạm trên địa bàn, đến nay, cảnh sát giao thông TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phát hiện 1.600 người đi xe máy trong số hơn 8.100 phương tiện vi phạm thông qua hệ thống camera trên đường. Song đơn vị mới xử lý được hơn 780 phương tiện, phần lớn là ôtô, với số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng.
Thượng tá Cao Văn Thịnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Vĩnh Phúc cho biết số người đi xe máy vị phạm bị xử phạt thấp là do quá trình xác minh chủ phương tiện và xử lý vi phạm phức tạp, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức.
Từ phát hiện, thu thập hình ảnh dữ liệu về phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng thẩm định lại hành vi, đối chiếu quy định của pháp luật, sau đó mới xác định chủ phương tiện. "Nhiều xe mua bán, sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Chưa kể nhiều xe đeo biển giả, không rõ chữ, số nên xác minh địa chỉ chủ xe rất khó khăn", thượng tá Thịnh nói.
Do xe máy mua đi, bán lại không sang tên, nên khi cơ quan chức năng gửi thông báo vi phạm giao thông về địa chỉ đã đăng ký, thì chủ phương tiện hiện tại không nhận được. Trong quá trình làm việc để xác định người vi phạm, chủ phương tiện thường không hợp tác, không thừa nhận điều khiển hoặc cho mượn xe. Vì thế, công an thường rất khó xác lập biên bản vi phạm hành chính đối với một số hành vi phải tước giấy phép và tạm giữ phương tiện.
Theo đại diện Công an TP Vĩnh Yên, chế tài hiện không có tính chất bắt buộc thi hành đối với chủ xe, chủ sở hữu, người điều khiển xe máy mà chỉ "xác minh, đôn đốc họ đến cơ quan công an giải quyết vi phạm".
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, cơ sở pháp lý để phạt nguội người đi xe máy vi phạm chưa đầy đủ, chưa xác định rõ phạt người sở hữu xe máy hay người lái xe vi phạm. Theo quy định xử lý vi phạm hành chính hiện hành, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt người vi phạm giao thông, chứ không quy định chủ phương tiện phải nộp phạt thay cho người vi phạm.
Hiện nay, chủ ôtô vi phạm giao thông bắt buộc phải nộp tiền phạt mới được đăng kiểm định kỳ. Trong khi đó, xe máy không phải đăng kiểm, nên chủ xe vi phạm thường "phớt lờ" nộp phạt.
Ngoài ra, hệ thống camera giám sát trên đường ở nhiều tỉnh, thành còn thiếu khiến việc xử phạt nguội rất hạn chế. Hồi cuối năm 2023, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường thông tin thành phố có trên 600 camera, bố trí tại 149 nút giao, nhưng do cũ và lạc hậu nên "việc xử phạt nguội rất ít, cơ bản camera dùng để giám sát giao thông".
Để phạt nguội xe máy vi phạm đạt hiệu quả, thượng tá Cao Văn Thịnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Vĩnh Phúc cho rằng, trước hết phải quy định đăng ký biển số xe máy chính chủ trên phạm vi toàn quốc. Xe máy phải lắp biển trước và sau giống như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia để hệ thống camera dễ dàng phát hiện phương tiện vi phạm.
Cùng với đó, cần định danh số tài khoản ngân hàng đối với chủ phương tiện. Khi xe máy bị ghi hình phạt nguội, cơ quan chức năng có thể thông báo lỗi để ngân hàng trừ tiền trong tài khoản của chủ xe. Tất cả trường hợp đã bán xe, chuyển chỗ ở, cho thuê xe... đều quy trách nhiệm nộp phạt giao thông cho chủ xe trên đăng ký. Quy định này để người mua, người thuê xe chấp hành nghiêm việc sang tên, đổi chủ.
Đồng tình quan điểm trên song chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, thủ tục sang tên đổi chủ với xe máy cần đơn giản hơn để người dân tự nguyện thực hiện. "Sau khi xe máy định danh theo chủ xe, tiến tới liên kết với ngân hàng, lỗi vi phạm được báo về tin nhắn của chủ xe. Người vi phạm có thể tra cứu, nộp phạt trên mạng", ông Thanh đề xuất.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng các tỉnh, thành phố cần đầu tư trang bị thiết bị camera tại các nút giao với số lượng lớn, tăng xử lý các vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ...
Cả nước hiện có hơn 42 triệu xe máy đã đăng ký, riêng Hà Nội có hơn 6,6 triệu xe, TP HCM có gần 8,3 triệu xe đang lưu hành.