'Vua phá bom' Cao Xuân Thọ kể chuyện Điện Biên Phủ
Về xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hỏi thăm nhà ông Thọ là lính Điện Biên ai ai cũng biết và chỉ dẫn tận tình.
Căn nhà 3 gian đượm màu xưa cũ nép trong con ngõ nhỏ ở thôn Trinh Thọ chính là nơi “Vua phá bom” Cao Xuân Thọ (sinh năm 1926) đang sinh sống cùng người con trai cả.
Là đội trưởng đội phá bom Đại đội 404 (đội Thanh niên xung phong 40), 4 lần được đơn vị làm lễ truy điệu sống trước khi ra trận, 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, “Vua phá bom”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ (thôn Trinh Thọ, xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa) năm nay đã 98 tuổi. Dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, với những di chứng của chiến tranh để lại trên cơ thể, tai ông Thọ đã không còn nghe rõ; lưng ông mất đi 3-4 đốt sống, 1 viên đạn vẫn nằm trong cơ thể… nhưng khí chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn ánh lên trong đôi mắt ngời sáng.
Ngày ấy, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi mới tròn 19 tuổi, người thanh niên Cao Xuân Thọ rời quê hương Thanh Hóa, xung phong vào Đội tự vệ Thủ đô, nguyện đem tuổi thanh xuân hiến dâng cho đất nước. Hai năm sau, Cao Xuân Thọ tình nguyện ra chiến trong lực lượng của Đại đoàn 308, sau làm nhiệm vụ quân báo tại Cao - Bắc - Lạng và tham gia chiến dịch Thu - Đông. Tháng 3/1949, ông được cử sang Trung Quốc học quân báo. Sau khi về nước, gia nhập Thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào và Điện Biên Phủ.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1953, đoàn Thanh niên xung phong được thành lập với mật danh đoàn X-P. Khi đó, đoàn đã thành lập đội phá bom nổ chậm, dọn đường cho bộ đội. Cao Xuân Thọ được cấp trên tin tưởng cử làm Đội trưởng Đội phá bom Đại đội 404 (thuộc Đội 40) - phụ trách phá bom, thông đường tại ngã ba Cò Nòi và đường ngầm Hát Lót (Sơn La). Đây là nơi giao nhau của những con đường huyết mạch vào Điện Biên Phủ, tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công từ Yên Bái sang, từ Đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này. Trong suốt chiến dịch, ngã ba Cò Nòi cùng những địa danh khác như đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin… luôn là điểm yếu mà quân địch liên tục tập trung hỏa lực đánh phá. Mỗi ngày, hàng trăm quả bom các loại được địch thả xuống hòng chặt đứt.
Trong vai trò là người chỉ huy, với sự mưu lược và dũng cảm Cao Xuân Thọ cùng đồng đội không ngại lao vào mưa bom bão đạn, thực hiện nhiệm vụ phá bom nổ chậm, mở đường, góp phần bảo đảm thông suốt con đường huyết mạch vào chiến trường Điện Biên Phủ huyền thoại. “Khi đó, chúng tôi chưa phá xong loạt bom này thì máy bay địch lại gầm rú kéo đến cùng với đó là bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom napan… lớp bom này chồng lên bom lớp khác thi nhau phát nổ, khói lửa mù mịt giăng kín trời. Vì vậy, công việc phá bom lúc này là nhiệm vụ cần kíp. Các đại đội đều hạ quyết tâm, thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông còn được giữ vững. Cũng trong những trận chiến ấy, nhiều đồng đội tôi đã anh dũng hy sinh…” - ông Cao Xuân Thọ không giấu nổi niềm xúc động khi lần giở lại những mảng ký ức xưa.
Câu chuyện về một thời khói lửa đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn ho, bởi trí nhớ không còn minh mẫn nhưng người lính già ấy vẫn sục sôi nhiệt huyết khi nhớ lại khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ ở ngã ba chảo lửa Cò Nòi. Cũng trong những ngày gian khổ, ác liệt ấy, ông đã từng 4 lần được đơn vị và đồng đội làm lễ truy điệu sống. Trong lần bị bom nổ vùi lấp dưới lớp đất đá, ông được đồng đội đào lên và may mắn còn sống, nhưng sau lần đó ông bị mất đi 3 đốt xương sống lưng.
Trong toàn chiến dịch, Đội trưởng Đại đội phá bom 404 Cao Xuân Thọ đã trực tiếp phá được hơn 100 quả bom các loại, vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ và 3 lần được Bác tặng huy hiệu của Người. Đặc biệt, với những đóng góp cho đất nước, năm 2014, ông Cao Xuân Thọ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vì những công lao của ông, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.
Sau khi ra quân, về với đời thường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Thọ luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ, thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, học tập và làm theo Bác. Hiện nay, các con ông đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định ở Hà Nội. Bản thân ông cũng luôn sống vui vẻ, lạc quan trong sự đùm bọc, thương yêu của anh em chòm xóm.
Chị Đỗ Thị Thu, Bí thư Đoàn xã Hoằng Giang (huyện Hoằng Hóa) tự hào cho biết: Lớp trẻ chúng em rất đỗi tự hào vì được sống và làm việc trên quê hương của Anh hùng Cao Xuân Thọ. Cụ luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.
Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, người Anh hùng năm ấy cũng đã bước sang mùa xuân thứ 98 của cuộc đời. Những ký ức về một thời lửa đạn, cũng như đóng góp, hy sinh của ông và đồng đội sẽ luôn sống mãi cùng những trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ.