Biểu tình trong ngày đầu Venice thu phí du khách
Hàng trăm người Italy giơ cao các biểu ngữ và hộ chiếu thể hiện sự tức giận trước quy định thu phí khách du lịch trong ngày ở Venice.
Vào ngày đầu tiên Venice thu phí, một số cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm phản đối Venice bị "biến thành một bảo tàng hay công viên giải trí". Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại Piazzale Roma, một trong những lối chính để vào thành phố bằng đường bộ với hơn 300 người. Cuộc biểu tình khác nhỏ hơn diễn ra gần ga xe lửa chính của thành phố.
25/4 là một ngày lịch sử ở Venice - ngày Giải phóng Italy và là ngày của St Mark, vị thánh bảo trợ thành phố. Ngày 25/4 năm nay tiếp tục ghi thêm một lịch sử mới: Venice trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới thu phí vào cửa đối với khách du lịch không ở qua đêm.
Ruggero Tallon, một trong những người tổ chức biểu tình, cho biết nhóm của anh đã lên kế hoạch dựng một biểu ngữ ghi dòng chữ: "Chào mừng du khách đến Veniceland" (cách chơi chữ nhằm mỉa mai thành phố không khác gì công viên giải trí khi khách đến tham quan phải chi 5 euro mua vé). Nhóm anh cũng in vé vào Venice giả và phát cho những người qua đường nhằm thể hiện sự phản đối. Tuy nhiên, cảnh sát đã chặn việc phát vé giả này.
Contributo di accesso (phí đóng góp khi ghé thăm) có giá 5 euro. Phí vào Venice thu với khách hàng ngày tới khu phố cổ từ 8h30 đến 16h. Khách qua đêm, trẻ dưới 14 tuổi, người khuyết tật và cư dân thành phố, người đến Venice để làm việc được miễn. Thành phố chưa đưa giới hạn số lượng vé bán một ngày.
Các giám sát viên kiểm tra vé tại các lối vào chính của thành phố như nhà ga xe lửa Santa Lucia từ 8h đến 16h ngày 25/4. Khách chưa mua vé được hướng dẫn mua tại chỗ. Vé trực tuyến được mở bán từ 16/1. Những người cố tình vi phạm, trốn mua vé có thể bị phạt gấp 10 đến 60 lần.
Là một trong những điểm du lịch đông khách hàng đầu thế giới với 3,2 triệu lượt khách lưu trú qua đêm năm 2022 trong khi dân số của thành phố chỉ khoảng 50.000 người. Số lượng khách đông đến hàng chục nghìn người tại các con phố chật hẹp, quảng trường St Mark và cầu Rialto nổi tiếng. Phần lớn là khách cập cảng từ các tàu du lịch.
Chính quyền địa phương cho biết thu phí khách trong ngày nhằm khuyến khích họ tránh ghé thăm vào những lúc cao điểm, giảm bớt quá tải du khách, dẫn đến hư hại các hệ sinh thái và di tích lịch sử cần bảo vệ. Theo kế hoạch ban đầu, thành phố chỉ thu phí khách đến vào 29 ngày cao điểm của năm 2024, chủ yếu là các ngày cuối tuần từ tháng 5 đến 7, từ 8h đến 16h. Khách đến trước và sau thời điểm này không phải mua vé. Khách nghỉ lại qua đêm, người dân Venice hoặc người đến thành phố làm việc được miễn.
Tallon cho biết thay vì thu phí, chính quyền nên tái định cư thành phố, tạo điều kiện cho người dân có thể sống tốt tại đây.
Elena Gastaldello, chủ tịch Arci (Hiệp hội Văn hóa Giải trí Italy) cũng tham gia biểu tình hôm qua. Bà cho biết phí vào cửa "sẽ không kiểm soát được số lượng khách đến" vì chính quyền không giới hạn lượng vé bán ra trong ngày. Ngoài ra, biện pháp này không đi kèm các chính sách phát triển đô thị. "Về cơ bản thu phí khách không giải quyết được vấn đề gì", Elena nói.
Người phát ngôn của Văn phòng Thị trưởng Venice cho biết có 113.000 du khách đăng ký đến thành phố trong ngày đầu tiên trong đó hơn 10% trả phí vào cửa.
Để chuẩn bị cho ngày đầu tiên thu phí, chính quyền đã thiết lập các trạm kiểm soát bên ngoài ga tàu và bến xe, với các tuyến riêng biệt dành cho "cư dân" và "khách du lịch". Một gian hàng bên ngoài ga xe lửa được dựng để mọi người mua vé hoặc trình giấy tờ được miễn trừ.
Italy không phải quốc gia đầu tiên tìm cách giảm tải du lịch đại chúng. Tại Tây Ban Nha, quốc gia có lượng khách quốc tế ghé thăm luôn nằm trong top đông nhất châu Âu, hàng chục nghìn người đã biểu tình vào ngày 20/4 nhằm yêu cầu chính quyền hạn chế lượng khách đến quần đảo Canary, điểm đến hút khách không kém Venice.
Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro miêu tả kế hoạch thu phí du khách là "một thử nghiệm" và "lần đầu xuất hiện trên thế giới". "Mục tiêu của chúng tôi là làm cho Venice trở nên đáng sống hơn", ông nói.
Venice gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ nằm phía đông bắc Italy, được coi là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1987. Năm 2023, Venice "thoát" không bị đưa vào danh sách di sản gặp nguy hiểm của UNESCO sau khi chính quyền địa phương áp dụng chính sách thu phí vào cửa hiệu lực từ 25/4.
Năm 2021, Venice đã áp lệnh cấm cập cảng với tàu du lịch lớn chở hàng nghìn khách, định tuyến lại để các tàu này cập một cảng công nghiệp xa hơn và áp thuế với khách nghỉ đêm. Thị trưởng Venice nói việc thu phí mới sẽ được áp dụng "một cách nhẹ nhàng" với các biện pháp kiểm soát "rất dễ chịu" và khách không cần phải xếp hàng.