Sống đến bình minh: Tự truyện Trần Mai Hạnh và sức mạnh có tên "khát vọng sống"
Cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh chất chứa những điều mà ông muốn nói về 82 năm đời mình - một đời người chưa bao giờ ngừng cống hiến dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Sáng 25/4, tự truyện "Sống đến bình minh" của cố nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã chính thức đến với công chúng.
Cuốn sách ra đời gần 3 tuần sau khi tác giả qua đời, nhưng sẽ không phải tác phẩm cuối cùng từ cây viết bền bỉ, giàu khát vọng sống này.
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh từng là Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và tổng biên tập, cố vấn cho nhiều tờ báo trong nước. Bệ phóng nghề báo của ông là vị trí phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã (Thông tấn xã Việt Nam ngày nay). Nhà báo Trần Mai Hạnh cũng chính là ký giả trong nước đầu tiên viết bài tường thuật tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4 lịch sử. Cả cuộc đời ông đã gắn liền với việc ghi chép và kể lại những câu chuyện của lịch sử, của dân tộc.
“Sống đến bình minh” dài gần 700 trang, được ông ấp ủ và bắt đầu viết từ lâu nhưng đến đầu năm 2024 mới xong. Cuốn sách tái hiện cuộc đời nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, với các chương được chia theo mảng nội dung và mốc thời gian, xoay quanh gia đình, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cùng sự nghiệp báo chí đầy vinh quang và có cả những cay đắng.
Chất chứa bao suy tư của nhà báo, cuốn sách đã ra mắt trong tháng 4 lịch sử, đúng theo nguyện vọng của tác giả. Đây là nỗ lực của gia đình và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. “Trong cuộc đời làm sách, chưa bao giờ chúng tôi dành ra một đêm để đọc xong bản thảo như lần này. Có thể gọi đây là cuốn phim tư liệu bằng chữ về cuộc đời nhà báo Trần Mai Hạnh,” bà Phạm Thị Thinh, Giám đốc Nhà xuất bản chia sẻ.
Sự bền bỉ trong sáng tác của Trần Mai Hạnh khiến mọi người được gọi ông là “người cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa.” Cả đời ông theo nghề viết và khi đặt bút thì viết bằng cả cuộc đời. Ông viết như để “trả nợ cho lịch sử” của đất nước, của dân tộc. Dẫu trải qua những ngày tăm tối và gian khổ nhất, ông vẫn vượt qua và tiếp bước hành trình mình đang đi bằng những thôi thúc được cống hiến.
Nghiệp viết và làm báo cho ông một vòng bạn bè rộng lớn và trân quý. Buổi ra mắt tự truyện của ông chật kín những bằng hữu, đồng nghiệp cùng thời và cả những người làm báo thuộc thế hệ kế cận, những người mà con gái ông – nhà báo Trần Mai Anh xin được xưng chung là “con” để tỏ sự lễ phép, biết ơn vì đã đến.
Ở đó có nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Ngô Thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn các thời như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, luật sư-cựu chiến binh Phạm Huỳnh Công... Câu chuyện đời của nhà báo Trần Mai Hạnh khiến nhà thơ Vũ Quần Phương nghĩ về việc đi tìm kiếm sức mạnh trong mỗi người: Nếu ở thời chiến, người dân Việt Nam tìm được sức mạnh chung ở tình yêu nước và khát khao đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thì ở thời bình, mỗi người phải tìm ra một sức mạnh riêng để dựa vào đó mà nỗ lực, phấn đấu trong đời.
“Anh Hạnh yêu nghề đến quên mình, mà phải như vậy mới làm được, nghề văn chương, nghề báo chí vất vả lắm,” nhà thơ nói. Với ông, nhà báo Trần Mai Hạnh đã để lại bài học về sự cố gắng, kiên trì để đến được với bình mình của mình.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều có cùng quan điểm khi khẳng định: “Nhà báo Trần Mai Hạnh đúng là đã đi qua bóng tối cuộc đời, ở cả thời chiến lẫn thời bình để đến được ngày tươi sáng.”
Nhà báo Trần Mai Hưởng – Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam là người nói lời kết lại buổi ra mắt sách. Ông là em trai ruột nhưng cũng là người đồng nghiệp, người bạn thân thiết trong nghề với ông Mai Hạnh.
Ông Mai Hưởng tin cuốn sách chính là những điều cơ bản mà anh trai mình muốn nói với mọi người về 82 năm cuộc đời, mà xuyên suốt trong đó là ý chí và khát vọng sống: “Sau tất cả những bất hạnh, tình yêu cuộc sống của anh không mất đi. Anh vẫn còn niềm tin vào những chân thiện mỹ trong cuộc sống, vào những điều tốt đẹp ở con người.”
Thay mặt gia đình, nhà báo Trần Mai Anh gửi lời tri ân tới những đồng nghiệp và bạn bè của bố - những người đã góp phần làm nên cả 7 chương sách của “Sống đến bình minh”. Chị chia sẻ đây sẽ chưa phải tác phẩm cuối cùng, bởi trong máy tính của ông vẫn còn bản thảo đang viết dở, những thước phim về lịch sử Việt Nam đang chờ ngày được thành hình...
Gửi tới những người đã đồng hành với bố khi ông tại thế, chị Trần Mai Anh tin hành trình của nhà báo Trần Mai Hạnh chưa kết thúc và vẫn được sẽ được yêu thương, kề vai sát cánh.
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), ra trường, ông bắt đầu theo nghề báo.
Bên cạnh các tác phẩm báo chí, ông từng xuất bản nhiều tác phẩm về chiến tranh như “Thời tôi sống,”“Tình yêu và án tử hình,” “Sụp đổ và tự thú”… nổi bật nhất trong đó là tiểu thuyết lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Tác phẩm từng được trao giải hạng mục Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Ông mất ngày 2/4/2024 tại TP Hồ Chí Minh khi đang thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ các đồng nghiệp làm báo thời kháng chiến chống Mỹ. Người thân và bạn bè đều bàng hoàng khi biết tin, bởi vào thời điểm nhà báo ra đi, ngọn lửa và nhiệt huyết sáng tác trong ông chưa bao giờ ngừng cháy.