Đừng lãng phí đất từ khâu quy hoạch khu dân cư, đô thị mới
Đất đai là nguồn lực rất quan trọng để phát triển. Việc sử dụng nguồn lực này cần tiết kiệm, hiệu quả, bền vững ngay từ khâu quy hoạch điểm dân cư, khu dân cư, khu đô thị mới.
Tại phiên họp tháng 4 (lần 4) vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét kế hoạch lập quy hoạch điểm dân cư, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn năm 2024. Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, năm 2024 các địa phương đề xuất 205 danh mục lập quy hoạch điểm dân cư, khu dân cư, đô thị mới với tổng diện tích gần 2.700 ha. Đáng chú ý trong đó có tới 112 danh mục đề xuất chưa phù hợp quy hoạch được phê duyệt, chưa thống nhất kế hoạch nhà ở từ năm 2023-2025.
Về nội dung trên, theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua rà soát sơ bộ còn có một số quy hoạch chi tiết chưa phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cấp trên được phê duyệt hoặc chưa có thông tin cụ thể về sự phù hợp; chưa thống nhất kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh năm 2023-2025. Về diện tích đề xuất lập quy hoạch, một số địa phương xây dựng kế hoạch lập quy hoạch rất lớn, có khả năng vượt tổng diện tích đất đơn vị được phép quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030; một số địa phương tiếp tục đề xuất lập quy hoạch các khu dân cư mới tại các xã trong khi đã có quy hoạch khu dân cư nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng, chưa đánh giá nhu cầu về nhà ở, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, lãng phí quỹ đất…
Thực tế cho thấy hiện tỷ lệ xây dựng nhà ở tại nhiều khu đô thị, khu dân cư trong tỉnh Hải Dương không cao. Nhiều nơi đã hoàn thành hạ tầng, phân lô bán nền nhưng không có dân cư sinh sống. Hạ tầng cơ sở, diện tích đất ở bỏ không kéo dài gây lãng phí và phần nào là tác nhân làm méo mó thị trường bất động sản.
Mới đây, Báo Hải Dương đã phản ánh Dự án khu dân cư mới xã Cao Thắng (Thanh Miện) chậm triển khai. Khi người dân thấy tiếc ruộng, tự bỏ chi phí thuê máy làm đất, cấy lúa trong phần diện tích thực hiện khu dân cư thì bị chủ đầu tư ngăn cản bằng cách phun thuốc diệt cỏ.
Tổng diện tích trong đề xuất lập quy hoạch năm 2024 của các địa phương trong tỉnh gần 2.700 ha, trong đó phần lớn cũng là đất nông nghiệp, đất lúa. Vì vậy nếu việc lập, thực hiện quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư không sát thực tế, kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Công tác đề xuất, lập quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các địa phương. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách chưa thực sự dồi dào, việc các địa phương chú trọng khai thác nguồn lực từ đất đai phục vụ đầu tư phát triển là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư, điểm dân cư không chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả lâu dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó có thể khắc phục được.
Chính vì vậy, khi rà soát, đề xuất, thực hiện lập quy hoạch, các địa phương cần chú trọng đánh giá nguồn cung cầu về nhà ở, đất ở từng khu vực; có kế hoạch phân kỳ lập quy hoạch cho phù hợp; tránh tình trạng lập quá nhiều quy hoạch khu dân cư gây lãng phí quỹ đất và lãng phí chính nguồn lực lập quy hoạch. Cần tính toán tổng thể, bảo đảm đồng bộ, thống nhất toàn tỉnh, tránh “mạnh ai nấy làm” trong công tác quy hoạch sử dụng đất đai.