Lo ngại đồ ăn trước cổng doanh nghiệp
Để phục vụ nhu cầu người lao động, tại nhiều cổng doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương xuất hiện các hàng quán bày bán đồ ăn, thức uống chế biến sẵn. Tuy nhiên, cũng từ đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Nhếch nhác
Dọc quốc lộ 37 đoạn qua cổng khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương) hằng ngày có gần chục chiếc xe đẩy bán đồ ăn, thức uống như xôi, bánh mì, bánh bao, sữa đậu nành… chủ yếu phục vụ công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp trong khu. Lợi thế của những hàng quán này là đồ ăn nhanh, thuận tiện, giá lại rẻ, thường chỉ từ 10.000-25.000 đồng/suất.
Chúng tôi ghé vào một chiếc xe đẩy nằm cạnh lề đường để mua bánh mì. Tại đây, người phụ nữ bán hàng không đeo khẩu trang, không đeo găng tay, đôi tay trần thoăn thoắt làm đồ ăn cho khách. Trên chiếc xe đẩy này, những nguyên liệu như pate, rau củ được để trong những chiếc khay nhựa không có nắp đậy bất chấp khói xe, bụi đường. Sau khi làm xong chiếc bánh mì kẹp trứng rán, người phụ nữ dùng một chiếc lọ màu trắng không có nhãn mác, có vẻ ngoài cáu bẩn để rưới nước xốt vào phần nhân bánh mì. Theo quan sát của chúng tôi, đa số đồ ăn tại các xe đẩy đều không được che chắn, bảo quản cẩn thận mà thường được bày bán trong các khay không có nắp đậy. Nhiều người bán hàng đều không đeo găng tay, khẩu trang…
Tình trạng này cũng diễn ra ngay gần cổng khu công nghiệp Nam Tài ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành). Dù biết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nhiều công nhân, người lao động vẫn mua để ăn cho kịp giờ làm. Anh N.Đ.K. công nhân một công ty trên địa bàn huyện Kim Thành cho biết: “Nhiều khi khuất mắt trông coi nên tôi vẫn thường mua đồ ăn ở hàng quán ngay phía ngoài cổng công ty cho tiện”.
Đầu giờ sáng, ngay phía cổng Công ty TNHH May mặc Makalot ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) có một hàng bán đồ ăn sáng với vài bộ bàn ghế nhựa. Trên mặt bàn bày bánh cuốn và những miếng chả không được che đậy. Những chiếc hộp nhựa đựng sữa đậu nành, xôi… để cạnh chân người bán. Do không bố trí thùng đựng rác nên những người ăn uống tại đây vô tư xả giấy ăn, rác xuống ngay dưới chân tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, mất mỹ quan.
Trên thực tế, những hình ảnh nêu trên không khó bắt gặp tại nhiều cổng nhiều khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Quản lý thế nào?
Theo anh Trần Huy Khương, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, những hàng quán bày bán trước cổng các doanh nghiệp thuộc nhóm thức ăn đường phố. Anh Khương cho biết: "Do thuận tiện, giá rẻ nên những hàng quán này vẫn thu hút được người tiêu dùng, tuy nhiên lại ẩn chứa những mối nguy hại cho sức khỏe".
Trên thực tế, hoạt động kiểm tra việc chấp hành an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nói chung, hàng quán bày bán ở khu vực cổng doanh nghiệp nói riêng vẫn còn ít. Việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của người kinh doanh không dễ dàng do thiếu nguồn nhân lực, trong khi người bán hàng lại thường chuyển địa điểm, không cố định…
Trong các đợt cao điểm, Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đều xây dựng nội dung tuyên truyền, trong đó có những nội dung liên quan đến thức ăn đường phố gửi trung tâm y tế tuyến huyện để tuyên truyền trên loa phát thanh các địa phương. Bên cạnh đó, cấp phát tờ rơi cho các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, vận động người bán hàng tự giác tuân thủ chặt chẽ các quy trình từ khâu lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến và bày bán để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dù vài năm gần đây, Hải Dương không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm xuất phát từ hàng quán tại cổng các doanh nghiệp, nhưng rõ ràng nguy cơ luôn tiềm ẩn. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát và kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với những hàng quán bày bán trước cổng doanh nghiệp. Người bán cũng cần nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng cần nói không với những hàng quán không bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố như không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc thực phẩm chín, thức ăn ngay bị xử phạt từ 500.000 -1 triệu đồng.
Một số hành vi như dùng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; người đang mắc các bệnh (theo quy định) không được trực tiếp tham gia kinh doanh ăn uống, thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm sang chia, san chiết không phù hợp… bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng.