Công ty Nước sạch Bạch Đằng có dấu hiệu không tuân thủ Luật Doanh nghiệp
Theo xác minh của phóng viên Báo Hải Dương, Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng (Kinh Môn) có dấu hiệu không tuân thủ Luật Doanh nghiệp.
Báo Hải Dương nhận được đơn của công dân có tên N.V.C., hộ khẩu thường trú tại TP Hải Dương, phản ánh về một số nội dung liên quan đến dấu hiệu chiếm dụng vốn góp tại Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng (Kinh Môn).
Góp vốn nhưng có dấu hiệu bị mất quyền lợi
Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng được thành lập từ năm 2012 với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng, đến tháng 5/2013 thay đổi vốn điều lệ lên 27 tỷ đồng. Tháng 8/2016, ông P.Q.K. nhận chuyển nhượng 30% vốn điều lệ. Tháng 8/2017, ông N.V.C. (người có đơn phản ánh) góp số vốn 3 tỷ đồng, đồng thời ủy quyền toàn bộ phần vốn này để thông qua ông P.Q.K. đầu tư vào công ty.
Sau nhiều lần thay đổi, tháng 10/2018, Công ty Nước sạch Bạch Đằng lúc này gồm 2 thành viên là ông P.Q.K., sở hữu 21,6 tỷ đồng vốn góp, tương ứng 80% vốn điều lệ, bà T.T.T., sở hữu 5,4 tỷ đồng vốn góp, tương ứng 20% vốn điều lệ.
Theo biên bản họp Hội đồng thành viên công ty ngày 27/8/2019, ông K. và bà T. nhất trí tán thành việc chuyển nhượng 50% số vốn góp của ông K. cho ông N.V.T (tương đương 10,8 tỷ đồng). Ngày 9/9/2019, công ty này đã gửi một thông báo về thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), nội dung thay đổi về thành viên công ty TNHH. Theo đó công ty này gồm 3 thành viên góp vốn: ông P.Q.K. và ông N.V.T., mỗi người góp vốn 10,8 tỷ đồng, tỷ lệ 40%, bà T.T.T., vốn góp 5,4 tỷ đồng, tỷ lệ 20%. Tập hồ sơ này nêu rõ tình trạng “đã góp” với cả 3 thành viên này.
Tỷ lệ góp vốn vừa nêu cũng được thể hiện trong giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 9 vào tháng 5/2020. Đến tháng 8/2020, Công ty Nước sạch Bạch Đằng tiếp tục gửi thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Theo đó, bà T.T.T. có chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông N.V.T. có chức danh Giám đốc.
Mâu thuẫn nội bộ giữa những thành viên góp vốn của công ty cũng bắt đầu xuất phát từ khoảng thời gian này. Theo đơn phản ánh, từ tháng 6/2020-4/2024, ông P.Q.K. không hề nhận được bất kỳ một báo cáo nào về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, không được phân chia lợi nhuận, không được tham gia hay thông báo tham gia bất kỳ cuộc họp Hội đồng thành viên nào.
Ngày 12/9/2022, ông P.Q.K. đã có đơn đề nghị gửi ông N.V.T. và bà T.T.T. về việc cung cấp số liệu sản xuất, kinh doanh và tạm phân chia cổ tức. Cuối tháng 5/2023, ông N.V.T. đã liên hệ mời ông P.Q.K. về trụ sở công ty làm việc. Tại đây, ông N.V.T. đã hỏi mua lại phần vốn góp của ông P.Q.K. với mức giá thấp hơn 10,8 tỷ đồng, song ông K. không chấp thuận. Sau đó, ngày 10/7/2023, ông P.Q.K. tiếp tục gửi một đơn đề nghị khác cho ông N.V.T. và bà T.T.T. yêu cầu cung cấp số liệu và tạm phân chia cổ tức.
Nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, các tháng 6, 7, 8 và 9/2023, ông P.Q.K. đã gửi tổng cộng 7 thông báo chào bán phần vốn góp tới công ty cũng như nhà riêng của ông N.V.T. và bà T.T.T.
Có dấu hiệu khai khống vốn điều lệ
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán, thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp cho người không phải thành viên công ty, nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết phần vốn góp được chào bán.
Do khi ông P.Q.K. chào bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Nước sạch Bạch Đằng, các thành viên còn lại của công ty này không phản hồi nên tháng 10/2023, ông K. đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho ông N.V.C., đồng thời có thông báo về việc đã bán phần vốn góp gửi công ty và những người liên quan.
Ngày 9/10/2023, ông N.V.C. đã bàn giao những giấy tờ liên quan cho công ty và đề nghị công ty tiến hành thực hiện thủ tục thay đổi thành viên góp vốn. Tuy nhiên, phía công ty không phản hồi, kể cả khi ông C. đã gửi nhiều đơn đề nghị.
Do bức xúc, ông N.V.C. đã gửi đơn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đầu tháng 4/2024, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan. Tại cuộc làm việc này, ông N.V.T. Giám đốc Công ty Nước sạch Bạch Đằng nêu lý do trong gần 4 năm qua không thể tổ chức họp Hội đồng thành viên do vốn điều lệ của công ty này còn thiếu so với giấy đăng ký kinh doanh, bởi vậy không có cơ sở để xác định tỷ lệ góp vốn của từng thành viên.
Theo báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế của công ty chúng tôi thu thập được, vốn góp của chủ sở hữu thời điểm cuối năm 2013 là gần 3 tỷ đồng, cuối năm 2023 là gần 20,5 tỷ đồng. Từ năm 2013-2023, số liệu vốn góp của chủ sở hữu công ty này chưa vượt 21 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ đăng ký 27 tỷ đồng từ năm 2013. Vốn điều lệ lớn hơn vốn chủ sở hữu có thể bắt nguồn từ việc chưa góp đủ vốn hay vốn chủ sở hữu giảm đi do phần lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song số liệu tài chính cho thấy cuối năm 2023, công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 93 triệu đồng.
Tuy vậy, đây là vấn đề nội bộ doanh nghiệp. Các thành viên công ty sau khi thay đổi cần xác định rõ những nội dung, số liệu liên quan.
Theo biên bản làm việc ngày 5/4/2024 giữa Phòng Đăng ký kinh doanh và các bên liên quan, lãnh đạo phòng này khẳng định một số nội dung trong đề nghị của ông N.V.C. có căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết. Phòng này đề nghị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp với nội dung: không góp đủ vốn điều lệ, không lưu trữ tài liệu công ty.
Về phản ánh liên quan đến bà T.T.T. vừa là viên chức vừa quản lý doanh nghiệp, chúng tôi đã liên hệ và bà T. trả lời đã thực hiện thủ tục tặng cho toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Nước sạch Bạch Đằng cho chồng. Theo Phòng Đăng ký kinh doanh, phản hồi của UBND TP Hải Dương khẳng định bà T.T.T. là viên chức đang công tác tại một đơn vị ở TP Hải Dương. Do vậy, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi văn bản yêu cầu công ty thay đổi thành viên. Nếu trong 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo, công ty này không thực hiện thay đổi thì sẽ bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Về phía ông N.V.T., chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại nhiều lần nhưng ông này không nghe máy.
Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được cùng thông tin Phòng Đăng ký kinh doanh cung cấp, phản ánh của ông N.V.C. về việc Công ty Nước sạch Bạch Đằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi thành viên góp vốn không được bảo đảm quyền lợi là có cơ sở. Việc công ty này không thay đổi thành viên góp vốn sau khi ông N.V.C. đã nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của ông P.Q.K. cũng có dấu hiệu vi phạm.