Doanh nghiệp Hải Dương kỳ vọng gì ở DDCI?
Việc Hải Dương triển khai xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ.
Thước đo sự hài lòng của doanh nghiệp
Biết thông tin thời gian tới tỉnh sẽ đánh giá DDCI năm 2023, Công ty TNHH Nhôm Tân Á ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) đang quan tâm, theo dõi vấn đề này. Doanh nghiệp có 51% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là nhôm định hình, nhôm cao cấp. Do phần lớn sản phẩm được xuất khẩu, tiêu thụ ở các thị trường EU, Mỹ, Canada… nên thủ tục hành chính phát sinh trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tương đối lớn. Vì vậy, doanh nghiệp thường xuyên làm việc, tiếp xúc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty cho biết, doanh nghiệp thường xuyên phải liên hệ với các cơ quan, đơn vị của tỉnh để thực hiện hồ sơ, thủ tục cũng như giải quyết các vấn đề trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, khi biết tỉnh triển khai đánh giá DDCI để khảo sát chất lượng phục vụ của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp rất hoan nghênh, đón chờ. Đây là dịp để ghi nhận sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan, đơn vị nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như cơ hội cho đơn vị bày tỏ quan điểm, ý kiến đóng góp để việc phối hợp giữa doanh nghiệp và các sở, ngành tốt hơn.
Công ty TNHH Camex Việt Nam (Ninh Giang) đang là đối tác cung ứng sản phẩm cơ khí cho hơn 200 doanh nghiệp. Do ngành nghề có sự cạnh tranh cao nên công ty luôn cần chính quyền, cơ quan chức năng đồng hành, tạo điều kiện trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa. Vì thế, với công ty, việc tỉnh ban hành, triển khai và công bố DDCI là cần thiết. Đây là công cụ truyền tải ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp đối với năng lực điều hành của các cơ quan, đơn vị nhà nước.
Anh Nguyễn Văn Chính, Giám đốc doanh nghiệp cho hay: “Khi biết về bộ chỉ số DDCI của tỉnh, chúng tôi đồng tình, ủng hộ cao. Việc triển khai DDCI thể hiện tỉnh quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, để doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh. Thông qua việc cung cấp thông tin, phục vụ đánh giá DDCI, công ty sẽ có kiến nghị, đề xuất cụ thể để sở, ngành và chính quyền cấp huyện có những điều chỉnh phù hợp trong quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều kiến nghị
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bộ chỉ số DDCI của tỉnh sẽ gồm 2 bộ chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành và DDCI cấp địa phương. Các sở, ngành được đánh giá DDCI dựa trên 9 chỉ số thành phần, các địa phương đánh giá trên 10 chỉ số thành phần. Ngoài 12 huyện, thành phố, thị xã, tỉnh sẽ thực hiện đánh giá 20 sở, ngành có tương tác nhiều với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tiêu chí cụ thể của các chỉ số thành phần có sự khác biệt để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Bộ chỉ số DDCI của tỉnh được xây dựng trên tinh thần thực tế, trách nhiệm, khả thi, chính xác, ý nghĩa và bảo mật.
Chỉ số thành phần DDCI gồm thực hiện thủ tục hành chính, tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin, tính năng động và tiên phong của cơ quan chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hiệu lực thiết chế, tiếp cận đất đai, tăng trưởng xanh và bền vững. Riêng DDCI của các sở, ngành không thực hiện đánh giá chỉ số tiếp cận đất đai. Hằng năm, tỉnh sẽ thực hiện khảo sát 1.600 phiếu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thông tin tỉnh chuẩn bị công bố chỉ số DDCI nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp vì các doanh nghiệp là chủ thể khảo sát, cho ý kiến đánh giá. Có nhiều đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để việc đánh giá được khách quan, công tâm, thực chất.
Số phiếu khảo sát phải bảo đảm tỷ lệ hợp lý với số lượng doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa nên số lượng phiếu khảo sát dành cho những doanh nghiệp này cũng cần tương xứng, phân bổ phù hợp với từng địa bàn. Thang điểm của chỉ số thành phần phải phù hợp với vai trò, mức độ ảnh hưởng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Mức độ tương tác, giải quyết công việc của các sở, ngành, địa phương là khác nhau nên cần có cơ chế riêng đánh giá để bảo đảm công bằng…
Ông Nguyễn Trắc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết chỉ số DDCI là thước đo năng lực điều hành, chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn kết quả DDCI sẽ là căn cứ, cơ sở để các sở, ngành, địa phương nhìn nhận, từ đó phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. So với các địa phương trong cả nước, Hải Dương triển khai DDCI chậm hơn nhưng chính điều này giúp tỉnh có thể học hỏi các tỉnh, thành phố đi trước để thực hiện bài bản, khoa học, thực chất.