An toàn lao động đừng chỉ là khẩu hiệu
An toàn, vệ sinh lao động cần được tuân thủ từ ý thức tới hành động.
7 công nhân thiệt mạng, 3 người bị thương trong một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) ngày 22/4, ngay gần Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 thật đáng quan ngại.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng, làm 699 người chết. Năm 2023, tại Hải Dương xảy ra 145 vụ tai nạn lao động làm 156 người bị nạn, giảm 6,5% số vụ tai nạn và 6,4% số người bị tai nạn so với năm 2022.
Đây là con số không nhỏ về tai nạn lao động diễn ra trong năm qua trên toàn quốc cũng như Hải Dương. Kinh tế phát triển, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại không có nghĩa là không xảy ra tai nạn lao động nếu cả người làm thuê và chủ doanh nghiệp không chủ động phòng ngừa. Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như ở Yên Bái sẽ còn có thể xảy ra nếu công tác bảo đảm an toàn lao động nhiều nơi thực hiện chỉ để đối phó.
Câu chuyện ở làng nghề mộc truyền thống Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã lý giải vì sao làng nghề này không hiếm những lao động từng bị cụt tay, dập chân vì tai nạn lao động. Mặc dù cả ngày tiếp xúc với những thiết bị nguy hiểm như cưa, đục, bào, ép khuôn… nhưng nhiều lao động không mang găng tay, khẩu trang, thậm chí bộ quần áo mặc đi làm cũng như ở nhà. Một số lao động chia sẻ rằng đeo găng tay chỉ thêm vướng víu. Nắng nóng, ngột ngạt đeo khẩu trang thật khó thở. Nhưng họ đâu biết nếu không mang bảo hộ lao động thì chỉ sơ sẩy một chút là có thể mất ngay bàn tay vì lưỡi cưa sắc bén. Vì ngột ngạt khó thở, họ không mang khẩu trang nhưng dễ mắc bệnh phổi khi thường xuyên hít phải mạt gỗ. Sự chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động là một trong những nguyên nhân chính gây ra những vụ tại nạn lao động trong các nhà máy, nơi sản xuất… dù có thể lường trước được nhờ trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
Môi trường làm việc an toàn cũng rất quan trọng trong phòng ngừa tai nạn cho người lao động. Có mặt tại buổi huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An, tôi thấy nhiều người khá lo lắng. Dù chỉ là một buổi huấn luyện nhưng họ cũng bị kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt như một kỳ thi. Doanh nghiệp coi trọng việc huấn luyện an toàn lao động cho công nhân. Họ cũng có một bộ phận riêng để thường xuyên quan trắc môi trường làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về an toàn trong sản xuất sẽ cảnh báo và đưa ra biện pháp ứng phó ngay lập tức. Khi một công nhân vào làm việc tại doanh nghiệp này cùng với thạo nghề còn phải biết kỹ năng thoát hiểm. Họ được tập huấn thường xuyên để ứng phó với sự cố cháy nổ hay động đất…
Doanh nghiệp đầu tư để có một môi trường làm việc an toàn thật sự tốn kém. Thế nhưng, những cái chết và hậu quả phải trả khi xảy ra tai nạn lao động còn tốn kém hơn nhiều lần. Nếu là chủ doanh nghiệp hãy nghĩ về những biện pháp an toàn cơ bản cho nhân viên của mình bởi doanh nghiệp an toàn cũng là thương hiệu để giữ chân người lao động, thu hút lao động tìm đến làm việc mà không phải mất công hay chi phí đi xa tuyển dụng. Nếu là người lao động hãy trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu để bảo đảm an toàn.
Bảo đảm an toàn lao động cần được tuân thủ từ ý thức tới hành động chứ không nên chỉ là khẩu hiệu.