Bức thư pháp 900 tuổi đạt giá 40 triệu USD
Bức thư pháp được cho của nhà thơ Hoàng Đình Kiên thời Tống, Trung Quốc, đạt mức xấp xỉ 6 tỷ yen (38,7 triệu USD).
Theo The Paper, trong phiên đấu giá tối 18/4 do hãng Jo's Auction tổ chức ở Tokyo, Thảo thư thích điển lập kỷ lục bức thư pháp đắt giá nhất được gõ búa tại Nhật. Ban đầu, giới chuyên môn ước tính tác phẩm có giá từ 500 nghìn đến một triệu yen (3.200 USD - 6.400 USD).
Hãng Jo's Auction vốn không đưa giá ước tính cao, do chưa xác định chắc chắn đây có phải bút tích của Hoàng Đình Kiên hay không. Tuy vậy, trên bức thư pháp có hơn 100 con dấu của các danh nhân trong lịch sử Trung Quốc chín thế kỷ qua. Phía cuối thư pháp còn có lời đề thơ của những tên tuổi như Ngu Tập (1272-1348) - đại thần, nhà thơ thời Nguyên; Chúc Doãn Minh (1461-1527) - nhà thơ thời Minh; Thẩm Chu (1427-1509) - họa sĩ thời Minh.
Thời vãn Thanh, tác phẩm thuộc sở hữu của gia tộc họ Đổng giàu có ở Sơn Tây. Năm 1923, Từ Thế Xương - quân phiệt, chính khách quan trọng đầu thời Trung Hoa Dân Quốc - mua bức thư pháp.
Lịch sử về nguồn gốc tác phẩm được cho là một trong lý do khiến cổ vật được giới sưu tầm chú ý. Người mua là đại gia họ Mã, sống ở Trung Quốc. Thư pháp chữ Thảo được viết trên lụa, gồm hơn 1.000 chữ trong Lăng Nghiêm Kinh - kinh Phật được truyền bá tới Trung Quốc từ thời Đường. Toàn bộ tác phẩm dài 14 m.
Giới chuyên môn nhận định Thảo thư thích điển hơn 900 năm tuổi, được giữ gìn cẩn thận, gần như còn nguyên vẹn. Hoàng Đình Kiên (1045-1105) tự Lỗ Trực, hiệu Cốc Đạo Nhân, là nhà thơ, nhà thư pháp danh tiếng thời Bắc Tống. Cùng Tô Đông Pha, Mễ Phất, Thái Tương, Hoàng Đình Kiên được mệnh danh Tứ đại thư gia thời Tống.
Tác phẩm của Hoàng Đình Kiên luôn được săn đón ở các cuộc đấu giá. Năm 2010, bức Đê trụ minh của ông được hãng Beijing Poly Auction gõ búa ở mức 430 triệu nhân dân tệ (hơn 59 triệu USD) - lập kỷ lục tác phẩm thư pháp Trung Quốc đắt giá nhất bấy giờ.