Công trình hơn nửa thế kỷ Bắc Hưng Hải ô nhiễm nặng: Không giải quyết sẽ thành phế tích
Bắc Hưng Hải - kênh thủy lợi ở miền Bắc được xây dựng từ năm 1958, có vai trò đặc biệt quan trọng với Đồng bằng Bắc Bộ đang bị "nhuộm" đen bởi đủ các loại nước thải độc hại. Có những đoạn kênh như bị bóp nghẹt bởi rác, nước thải.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Vũ Trọng Hồng, chuyên gia ngành thủy lợi (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phả triển nông thông (NN&PTNT) về tầm quan trọng của các kênh thủy lợi nói chung và kênh Bắc Hưng Hải nói riêng, cũng như việc "chữa lành" cho các dòng kênh này.
Không "chữa lành", kênh Bắc Hưng Hải sẽ trở thành phế tích
- Thưa ông, tại sao Bắc Hưng Hải lại được xem là kênh thủy lợi đặc biệt quan trọng?
- Kênh thủy lợi thì chúng ta có rất nhiều, nhưng Bắc Hưng Hải là kênh thủy lợi có dấu ấn lịch sử không chỉ riêng miền Bắc mà đối với cả nước.
Nhớ lại giai đoạn năm 1958 - 1960, tôi đang đi thực tập và được giao phụ trách một đội dân công đào kênh Bắc Hưng Hải.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người bổ những nhát cuốc đầu tiên xây dựng công trình. Sau đó Bác Hồ xuống tận công trường thăm, động viên công nhân, người dân.
Lúc đó tôi được lãnh đạo đơn vị truyền đạt lại rằng: Bác Hồ rất mơ ước Đồng bằng Bắc Bộ có được một công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu hàng vạn hecta.
Chúng ta muốn làm kênh Bắc Hưng Hải vì Đồng bằng Bắc Bộ là vùng trọng điểm lúa của miền Bắc không bị hạn, mặn.
Thời điểm đó để làm cửa lấy nước dẫn từ sông Hồng vào Bắc Hưng Hải đã phải "hy sinh" diện tích đất của làng nghề gốm Bát Tràng. Đến nay, thật đau xót khi dòng kênh đang bị ô nhiễm nặng nề. Nếu chúng ta không "chữa lành" thì Bắc Hưng Hải sẽ trở thành phế tích.
- Như ông chia sẻ, vị thế của kênh Bắc Hưng Hải rất quan trọng. Vì sao đến nay nhiều khu vực lại đang bị ô nhiễm như vậy?
- Nói về nguyên nhân thì có nhiều nhưng không nên mãi đổ lỗi cho người dân, bởi vì chúng ta có trong tay hệ thống luật pháp và gần đây Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024).
Để kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải biến thành kênh "nước thải" cho thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thực thi pháp luật chưa được nghiêm trong suốt một thời gian dài.
Từ hàng chục năm trước, có giai đoạn Hà Nội để xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ (quận Tây Hồ).
Để bảo vệ đê sông Hồng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiên quyết yêu cầu xóa những ngôi nhà trái phép này.
Nếu chúng ta không làm nghiêm thì khi có lũ lớn tràn về nguy cơ vỡ đê là hiện hữu và sẽ xảy ra tiền lệ xấu.
Do để cho người dân xây dựng nhà cửa trái phép trên đê, nhiều quan chức thời điểm đó cũng đã phải ngồi tù.
Vậy nên có thể thấy xử lý các vi phạm, đặc biệt là những vi phạm mà người khác có thể bắt chước, cần sự quyết tâm làm triệt để.
Những doanh nghiệp ở Hưng Yên lấy lý do xả thải trái phép do "đấu nhầm" đường ống thì dư luận khó lòng chấp nhận.
Nếu vẫn còn doanh nghiệp "đấu nhầm" đường ống sẽ gây tai hại cho môi trường. Hay lý giải của đơn vị quản lý khu công nghiệp cho rằng nước từ kênh ô nhiễm bên ngoài chảy ngược về khu bể chứa nước mưa bên trong khu công nghiệp của họ thì nghe cũng rất phi lý.
Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi là tại sao các doanh nghiệp lại cứ "thi nhau" xả trộm ra môi trường? Ban quản lý khu công nghiệp ở đâu? Những cán bộ được giao giám sát môi trường khu vực này cũng đang ở đâu?...
- Ông có lo ngại gì khi một số cánh đồng "cực chẳng đã" phải dùng cả nước ô nhiễm để tưới cho lúa?
- Nước thải đổ xuống sông, kênh thủy lợi sẽ "hủy diệt" hệ sinh thái trên diện rộng chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng phần nào đến sự sinh trưởng phát triển của cây lúa cũng như nhiều hoa màu khác.
Chất thải đổ xuống một lượng lớn trong thời gian ngắn còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản hay có thể làm chết cá lồng ngay lập tức.
Thực tế hiện nay không chỉ riêng gì kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải mà sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), sông Cầu (trên địa phận Bắc Ninh, Bắc Giang)... cũng đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Một câu chuyện đáng buồn là tuy ở cạnh sông, kênh thủy lợi nhưng người nông dân ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh vẫn phải dùng nguồn nước có màu đen kịt, nồng mùi hôi thối để tưới cho lúa.
Có thể diện tích phải dùng nước ô nhiễm để tưới cho lúa chưa nhiều tuy nhiên đây là điều rất đáng lo ngại, báo động vì không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, giống lúa mà gạo ở những nơi này sẽ có chất lượng không bằng những nơi khác.
Lúa gạo ở những nơi này sẽ khó có thể xuất khẩu khi bị truy xuất nguồn gốc.
Nâng mức phạt, áp dụng các hình thức bổ sung
- Thưa ông, giải pháp trước mắt, lâu dài để cải thiện kênh thủy lợi cũng như nhiều dòng sông khác đang bị ô nhiễm?
- Để kiểm soát chặt chẽ hành vi xả thải theo tôi không nên chỉ dừng lại ở hô hào. Cần đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài cũng như trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ để khôi phục từng bước.
Trước mắt cần phải tăng cường giám sát, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm giám sát của chính quyền cấp cơ sở.
Về lâu dài, tôi cho rằng cần nâng mức phạt, áp dụng các hình thức bổ sung vì thực tế không phải lúc nào cũng bắt quả tang được hành vi xả trộm nước thải.
Vậy khi bắt quả tang thì phải xử lý ra sao cho doanh nghiệp đó phải sợ với những hành vi đã gây hại cho môi trường.
Bên cạnh đó, việc xử phạt mạnh tay cũng sẽ làm gương cho doanh nghiệp khác đang "ôm ấp" ý định xả thải trộm.
Cùng với đó, cũng cần nêu gương người tốt việc tốt, doanh nghiệp điển hình.
Ví dụ như những doanh nghiệp bảo vệ môi trường, sản xuất xanh... sẽ được tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp để phát triển.
Đối với lĩnh vực môi trường, theo tôi, cần hướng tới phạt theo phần trăm doanh thu của doanh nghiệp nếu xả thải trái phép.
Khi phạt theo phần trăm doanh thu sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền của doanh nghiệp. Hay xả thải nhiều lần thì doanh nghiệp đó sẽ bị xem xét tước giấy phép hoạt động, xử lý hình sự.
Ở các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu, khi doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm về môi trường, họ chế tài rất mạnh tay.
Thường thì đối với những hành vi cố tình xả trộm sẽ bị phạt rất nặng, còn tái phạm thì chắc chắn bị xử hình sự. Không có chuyện doanh nghiệp đó cứ xả thải năm này qua năm khác mà chỉ xử lý hành chính là xong.
Luật pháp cũng nên điều chỉnh, thay đổi kịp thời, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường. Vì khi đã gây hại cho môi trường sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiện tại mà còn tác động rất lâu dài về sau.
Báo động
Giáo sư Vũ Trọng Hồng chia sẻ, việc chỉ trong một tuần giữa tháng 4/2024, UBND tỉnh Hưng Yên đã phải ra quyết định xử phạt ba doanh nghiệp ngành dệt may xả thải trái phép ra môi trường là điều báo động tình trạng "đầu độc" kênh Bắc Hưng Hải lại tái diễn.
Trước đó, trong hơn 60 năm, từ cửa dẫn nước đến lòng kênh Bắc Hưng Hải vẫn hoạt động bình thường. Đặc biệt là cửa lấy nước ở khu vực cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) không bao giờ bị bồi, xói lở.
Có thể khẳng định chưa có một công trình thủy lợi nào của Việt Nam xây dựng lại có sức sống lâu bền như vậy.
Bên cạnh đó, Bắc Hưng Hải còn có ý nghĩa lịch sử trong quá trình phát triển nông nghiệp của nước ta. Đầu những năm 2000, kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn còn đẹp lắm.
Không chỉ "giải" được ô nhiễm mà còn phải đưa được nước về kênh
Theo giáo sư Vũ Trọng Hồng, những năm qua sông Hồng bị tụt lòng dẫn đến nước không thể chảy qua cống Xuân Quan (Hưng Yên) để vào Bắc Hưng Hải.
Lòng sông tụt là "đúng quy luật" do chúng ta đã khai thác cát quá mức và nạn "cát tặc" hoành hành. Vì vậy chúng ta cần phải hạn chế ngay việc khai thác cát trên sông Hồng, đặc biệt là xử lý nghiêm nạn cát "tặc", tàu "ma" hút cát lộng hành.
Phải cải thiện dòng sông Hồng để nước về với Bắc Hưng Hải. Dòng sông Hồng sống thì Đồng bằng Bắc Bộ, kênh Bắc Hưng Hải sẽ sống mãi.
Trong xu thế Trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng thì Đồng bằng Bắc Bộ vẫn phát triển ổn định, bền vững nếu duy trì được lượng nước về kênh.