Thị trường

"Mua của người chán, bán cho người thèm"

THANH HÀ 22/04/2024 15:00

Tiết kiệm tiền hơn so với mua đồ mới, thị trường đồ sang nhượng ở Hải Dương khá sôi động, thu hút nhiều người tham gia, đúng tinh thần "mua của người chán, bán cho người thèm".

z5355759765632_1101c58d85382bf31fb245917f3ea761.jpg
Chị Nguyễn Thị Dinh ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) giới thiệu về một số món đồ muốn bán lại

Phù hợp với túi tiền

Sang nhượng đồ mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua, đó là cảm nhận của nhiều người khi tham gia hoạt động này. Là người mới tham gia nhóm “Pass đồ Hải Dương”, chị Nguyễn Thị Dinh ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết trước đây chị mua khá nhiều quần áo, có những bộ chưa sử dụng. Gần đây, do bận bịu với con nhỏ, không có thời gian chưng diện, đi chơi, nếu để thì đồ sẽ bị lỗi mốt và cũ. Vì thế, chị đã đăng lên nhóm “Pass đồ Hải Dương” bán lại một số bộ quần áo còn nguyên tem mác. “Một vài người nhắn tin hỏi mua và tôi cũng bán được mấy bộ. Tôi bán chỉ bằng một nửa giá gốc nhưng thấy khá hài lòng vì đồ không bị lãng phí”, chị Dinh nói.

Người tham gia bán lại đồ khá đa dạng, không chỉ những người đi làm mà cả học sinh, sinh viên, công nhân... Các loại đồ được bán cũng gồm nhiều loại như quần áo, giầy dép, mỹ phẩm… Có đồ đã qua sử dụng, dùng 1-2 lần hay có những bộ còn nguyên nhãn mác. Ngoài việc bán lại trong nhóm, một số người còn đăng trên Facebook cá nhân. Em Trần Trang, là học sinh ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) chia sẻ: “Em mua mấy đôi giầy nhưng đế cao quá, không phù hợp với học sinh. Em ít đi chơi, nếu không dùng sẽ rất phí nên em nhượng lại với giá chỉ bằng một nửa lúc mua mới. Em sẽ dùng tiền này để mua những đôi phù hợp hơn”.

z5355728984777_ca1c94c4109cf9a209fdffe1669130e4.jpg
Thị trường đồ nhượng lại phong phú, từ quần áo, giầy dép đến mỹ phẩm...

Theo chị Thanh Ngọc ở phố Việt Hòa (TP Hải Dương), nếu chịu khó tìm sẽ lựa chọn được những đồ đẹp, mới mà giá phải chăng. “Tôi có sở thích đi du lịch, chụp ảnh đăng Facebook. Với nhu cầu làm mới hình ảnh, tôi ít khi dùng lại đồ cũ. Nếu mua đồ mới lại khá đắt nên tôi hay mua đồ dùng 1-2 lần. Sau khi dùng xong, tôi bán lại cho người khác để sắm loạt đồ mới. Tôi thấy việc mua bán này khá tiện ích”, chị Ngọc nói.

Cũng cần thận trọng

z5355745663946_ce98ccf598f591e0f304e70f93af1ab7.jpg
Nhượng lại đồ để tránh lãng phí và có tiền mua sắm đồ mới

Cũng như mua bán hàng trên mạng, nhượng đồ tiềm ần nhiều rủi ro nên người mua cần nắm một vài bí kíp để tránh “tiền mất tật mang”. Trong vai một người muốn mua đồ trên mạng, tôi vào tài khoản N.H.P. ngỏ ý xin địa chỉ để đến tận nơi xem đồ thì người này từ chối, đồng thời xin địa chỉ của tôi và nói sẽ mang đồ đến. Sau khi tôi chia sẻ vị trí thì người này từ chối với lý do xa quá, không mang đồ đến được.

Có trường hợp mua bán theo hình thức chuyển tiền trước, nhận hàng sau nên xảy ra tình trạng đồ không vừa ý nhưng không thể đổi lại được. Trong nhóm “Pass đồ Hải Dương” có một số tài khoản chia sẻ việc đã chuyển tiền nhưng không nhận được đồ và khi gọi lại thì không liên hệ được.

z5355786950222_4d628b24f225224a71f4f37f1cf0be11.jpg
Khi mua đồ nhượng lại, mọi người cần thận trọng để tránh bị lừa

Mọi người không nên mua sắm quá nhiều, thấy thật sự phù hợp thì mua. Nên đến tận nơi để xem hàng, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Với những trường hợp ở xa thì nên có những thỏa thuận rõ ràng với người bán, trong đó quan trọng nhất là khi nhận hàng được kiểm tra, thử nếu vừa ý mới nhận, còn không sẽ gửi trả lại.

THANH HÀ