Bình luận

Gói viện trợ của Mỹ - cơn mưa rào giữa nắng hạn cho Ukraine

TN (theo VnE) 22/04/2024 06:15

Mỹ dự kiến sớm cung cấp đạn pháo và hệ thống phòng không cho Ukraine sau khi gói viện trợ qua ải Hạ viện, đánh dấu tín hiệu tích cực với Kiev khi họ đang gặp khó trên chiến trường.

Xe tăng Ukraine di chuyển trên tiền truyến trong bức ảnh đăng ngày 20/4. Ảnh: Quân đội Ukraine
Xe tăng Ukraine di chuyển trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 20/4. Ảnh: Quân đội Ukraine

Sau nhiều tháng tranh cãi, Hạ viện Mỹ ngày 20/4 đã bỏ phiếu thông qua dự luật viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine với tỷ lệ 311 thuận, 112 chống.

23 tỷ USD trong gói chi tiêu sẽ được dùng để lấp đầy kho dự trữ vũ khí của quân đội Mỹ, tạo điều kiện để nước này có thể chuyển giao thêm khí tài cho Ukraine.

14 tỷ USD sẽ được chi cho chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, trong đó Lầu Năm Góc sẽ mua vũ khí đời mới cho Kiev từ các nhà thầu quốc phòng trong nước. Hơn 11 tỷ USD dùng để tài trợ các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ ở khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington.

Khoảng 8 tỷ USD là hỗ trợ phi quân sự, như giúp chính phủ Ukraine trang trải các hoạt động cơ bản, gồm trả lương cho công viên chức và lương hưu.

Dự luật dự kiến được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vào ngày 23/4, trước khi chuyển cho Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Quá trình này nhiều khả năng sẽ diễn ra nhanh chóng, không vấp phải nhiều rào cản như tại Hạ viện Mỹ.

Các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn các thùng vũ khí, thiết bị quân sự để có thể cung cấp cho Ukraine ngay sau khi gói viện trợ được thông qua. Một số thiết bị đã được cất sẵn ở các nước châu Âu và có thể tới tay Ukraine chỉ trong vài ngày.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 18/4 cho biết Mỹ có "mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ, cho phép vận chuyển trang thiết bị một cách thần tốc". "Chúng tôi hoàn toàn hiểu tình thế cấp bách hiện nay và sẵn sàng nhanh chóng hành động", ông khẳng định.

Các viện trợ quân sự khác của Mỹ nhiều khả năng sẽ tới tay Ukraine trong những tuần tiếp theo.

Hiện tại, các thành phần cụ thể trong gói vũ khí viện trợ Ukraine chưa được công khai. Tuy nhiên, hai thứ quan trọng chắc chắn sẽ được gấp rút bàn giao là đạn pháo và hệ thống phòng không.

Ukraine đang cạn kiệt đạn pháo 155 mm chuẩn NATO, một trong những lý do khiến quân đội nước này hồi giữa tháng 2 phải rút khỏi Avdeevka, thành trì chiến lược ở tỉnh Donetsk.

Mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/4 thông báo lực lượng nước này đã kiểm soát được làng Bogdanovka tại Donetsk, qua đó gia tăng áp lực lên thành trì Chasov Yar ở cách đó ba km. Chiếm được Chasov Yar sẽ giúp quân đội Nga có thể tiến xa hơn về phía thành phố Kramatorsk, đô thị lớn cuối cùng mà Ukraine còn giữ ở vùng Donbass, và các khu vực lân cận.

Vị trí Chasov Yar và loạt đô thị trọng yếu lân cận. Đồ họa: RYV
Vị trí Chasov Yar và loạt đô thị trọng yếu lân cận. Đồ họa: RYV

Các quốc gia châu Âu những tuần gần đây đạt một số thành công trong việc mua thêm đạn pháo cho Ukraine, song số lượng được đánh giá là chưa đủ để giúp Kiev lật ngược thế áp đảo về hỏa lực pháo binh của đối phương trên chiến trường.

Về vấn đề phòng không, tác động tiêu cực của việc Ukraine cạn kiệt dần đạn tên lửa đang được thể hiện rõ trong những tuần gần đây. Trong phần lớn năm 2023, các cuộc tập kích tầm xa của Nga vào thủ đô Kiev đã diễn ra không thành công. Hầu hết tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tự sát do Moskva phóng đã bị đánh chặn bởi lưới phòng không được xây dựng từ các tổ hợp hiện đại do phương Tây cung cấp như Patriot.

Tình hình trở nên khác biệt hoàn toàn trong năm 2024. Lực lượng Nga đã nhiều lần tập kích thành công Kiev từ đầu năm, đáng chú ý nhất là cuộc tấn công khiến nhà máy nhiệt điện Trypillia bị phá hủy hôm 11/4.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy cho biết đối phương đã phóng tổng cộng 11 tên lửa về phía nhà máy. Phòng không nước này bắn hạ thành công 7 quả đạn, song 4 quả còn lại đã "phá hủy Trypillia".

"Vì sao ư? Bởi vì chúng tôi không còn tên lửa để bảo vệ nhà máy", ông Zelensky nói hôm 15/4.

Khói bốc lên từ nhà máy Trypillia sau vụ tập kích của Nga hôm 11/4. Ảnh: UP
Khói bốc lên từ nhà máy Trypillia sau vụ tập kích của Nga hôm 11/4. Ảnh: UP

Tình hình tại các thành phố gần tiền tuyến của Ukraine thậm chí còn khó khăn hơn. Kharkov, thủ phủ tỉnh cùng tên, bị tên lửa, UAV và bom lượn Nga tập kích hàng ngày, gây ra nhiều thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng. Thị trưởng Kharkov Ihor Terekhov ngày 17/4 nói đô thị này đang đứng trước nguy cơ trở thành "Aleppo thứ hai" nếu không được cung cấp thêm hệ thống phòng không.

Aleppo, từng là thành phố lớn nhất ở Syria, đã bị tàn phá nặng nề sau các cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy từ năm 2011.

Giới chuyên gia nhận định viện trợ mà Mỹ sắp chuyển giao cho Ukraine chắc chắn sẽ cải thiện được tình thế của quân đội nước này trên chiến trường, giúp nước này có thể ứng phó với đà tiến công vũ bão hiện nay của Nga.

Dù vậy, tình hình thực địa trong vài tuần tới dự kiến vẫn tương đối bấp bênh với Kiev. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, lượng vũ khí, đạn dược mà Ukraine chuẩn bị tiếp nhận sẽ mang tới thách thức lớn về mặt hậu cần với nước này, do Kiev hiện không đủ khả năng phân phối ngay lập tức lượng vật tư nhiều như vậy trên khắp cả nước.

Vì vậy, lực lượng Ukraine, cũng như các thành phố tại nước này, vẫn rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Nga trong thời gian tới. Theo ISW, Nga nhận thức rõ điều này và nhiều khả năng sẽ tăng cường tập kích, cả trên không và dưới mặt đất, để tận dụng khoảng thời gian Ukraine chưa hoàn thành việc tiếp nhận viện trợ của Mỹ.

ISW nhận định Nga sẽ khó đạt được đột phá lớn trên tiền tuyến trong thời gian ngắn như vậy, song vẫn có khả năng thực hiện được một số bước tiến đáng kể. Moskva có thể sẽ ưu tiên nhắm mục tiêu vào các mặt trận mà lực lượng phòng thủ của Ukraine đang bất ổn như khu vực phía tây Avdeevka, hay những nơi mà quân đội Nga sắp đạt được mục tiêu chiến lược quan trọng như Chasov Yar.

Viện nghiên cứu Mỹ cũng dự đoán Moskva sẽ tiếp tục tấn công vào hạ tầng năng lượng của Kiev ở hậu phương nhằm khiến lực lượng Ukarine ở tiền tuyến bị phân tâm. "Nga cũng có thể chuyển mục tiêu sang tập kích hạ tầng giao thông của đối phương, nhằm hạn chế khả năng của Ukraine trong việc phân bổ nhân lực và trang thiết bị đến các mặt trận quan trọng", ISW nhận định.

Về lâu dài, viện nghiên cứu Mỹ kỳ vọng viện trợ của Washington sẽ giúp Ukraine có thể giữ vững tiền tuyến và chặn đứng cuộc tấn công quy mô lớn sắp tới của Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 6. ISW cũng cho rằng cục diện chiến trường trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có thể tiếp tục nhận được viện trợ từ phương Tây hay không, cũng như khả năng huy động nguồn lực cho chiến sự của Nga.

"Việc Mỹ sắp nối lại hỗ trợ an ninh cho Ukraine là bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, tính chất và kết quả của cuộc chiến sẽ được quyết định bởi các động thái sắp tới của Điện Kremlin, phương Tây và Ukraine", ISW viết.

TN (theo VnE)