Chứng khoán tuần mới: Ẩn số dòng tiền và nơm nớp "call margin"
Sau khi giảm gần 102 điểm 4 phiên liên tiếp, đánh mất thành quả nhiều tháng, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh về vùng giá hợp lý hơn. Liệu dòng tiền bắt đáy mạnh hơn sắp xuất hiện?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán đã về vùng giá hợp lý, nhiều nhóm cổ phiếu "chiết khấu" tốt hơn sẽ kích hoạt dòng tiền "bắt đáy"...
Tuy nhiên, thị trường cũng đang trong giai đoạn yếu, nhạy cảm với thông tin. Nếu xuất hiện nhịp giảm sâu, hiện tượng bán giải chấp diện rộng sẽ "dìm" thêm điểm số...
Nếu VN-Index còn rơi nhịp mạnh, sức ép margin sẽ lớn hơn
* Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam:
- Số liệu tổng hợp từ các công ty chứng khoán cho thấy dư nợ margin (cho vay ký quỹ) ước đạt gần 200.000 tỉ đồng vào cuối quý 1-2024.
Số tiền cho vay tương đương mức đỉnh quý 1-2022 nhưng không đáng lo ngại. Sau 2 năm, các công ty chứng khoán tăng vốn mạnh. Chưa kể, nhiều công ty có nguồn từ ngân hàng mẹ, do đó "room" còn lớn.
Điều lo ngại với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao khi nhịp chỉnh chưa dừng.
Trong tuần vừa qua, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, tương ứng với gần 8%, nhiều cổ phiếu đã trong tình trạng giảm 15% hoặc lớn hơn.
Mức "rơi" mạnh vừa qua có sự góp phần việc bán giải chấp. Tuy nhiên, nếu VN-Index vẫn còn quán tính giảm mạnh, sức ép margin sẽ lớn hơn. Thậm chí giảm sâu, hiện tượng "force sell" diện rộng sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, đà rơi mạnh sẽ khó tiếp diễn tuần tới. Bởi nhịp giảm mạnh vừa qua, định giá của thị trường và nhiều nhóm cổ phiếu đã về vùng hợp lý hơn.
Từ đó, kích hoạt dòng tiền bắt đáy. Đặc biệt nhóm cổ phiếu tốt lại được chiết khấu hợp lý, sẽ tạo kích thích nhà đầu tư tham gia giải ngân.
Trước khi thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, định giá P/E của VN-Index dao động 15-18 lần, tương đối cao so với thị trường trong khu vực. Về vùng 11-13, tôi cho rằng sẽ hấp dẫn nhà đầu tư trở lại.
Chứng khoán sẽ sớm có nhịp hồi trở lại
* Ông Phạm Quang Chương, chuyên viên phân tích Chứng khoán Phú Hưng:
- Thị trường tiếp tục chịu sức ép điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày cuối tuần. Tuy nhiên tín hiệu bắt đáy xuất hiện ở hàng loạt cổ phiếu Bluechips vào phiên chiều giúp VN-Index có thời điểm hồi về gần vùng tham chiếu.
Tuy vậy, dòng tiền vào vẫn còn khá yếu và các chỉ số nhanh chóng giảm trở lại vào cuối phiên. Áp lực bán dâng cao cũng đẩy thanh khoản tăng vượt mức trung bình. Điểm sáng hiếm hoi trong phiên cuối tuần qua việc khối ngoại bắt đầu tham gia giải ngân trở lại.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp. Dù phiên này đóng cửa thủng nhẹ dưới MA200 (đường trung bình 200 ngày gần nhất), nhưng chỉ số vẫn giữ được trong vùng cầu 1.160 - 1.190.
Xuất hiện nến Spinning (thế trận giằng co) kèm khối lượng giao dịch gia tăng, biên độ nến tiếp tục thu hẹp lại trong khi lực bán tăng lên, cho khả năng có dòng tiền vào bắt đáy.
Nhìn chung, tín hiệu vẫn đang ủng hộ khả năng có thể sớm có nhịp hồi trở lại. Chiến lược chung nên chờ đợi nhịp hồi để tiến hành cơ cấu lại danh mục, tỉ trọng đề xuất ở mức thấp - trung bình.
Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều tiền mặt và chịu được rủi ro, có thể cân nhắc bắt đáy với tỉ trọng thấp các cổ phiếu giảm quá bán về hỗ trợ.
Tiền mới vào nhưng khó đón dòng tiền lớn trước kỳ nghỉ dài ngày
* Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS):
- Sau khi giảm gần 102 điểm 4 phiên liên tiếp, đánh mất thành quả nhiều tháng, thị trường đã điều chỉnh về vùng giá hợp lý hơn, các thông tin tiêu cực cũng đã thẩm thấu, sẽ có dòng tiền mới chảy vào.
Tuy nhiên, tuần tới cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Thông thường trước các đợt kỳ nghỉ dài, khó xuất hiện những dòng tiền lớn.
Cần lưu ý, VN-Index đã giảm về vùng 1.160 - 1.190 điểm, khi thị trường yếu, rất dễ "nhạy cảm" với thông tin, dù chỉ là tin đồn thất thiệt.
Trong ngắn hạn, những thông tin liên quan đến diễn biến căng thẳng Trung Đông, giá dầu, các dự báo về việc Fed nới thời gian và giảm số lần hạ lãi suất cũng như áp lực tỉ giá trong nước vẫn được quan tâm.
Liên quan tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua đã bắt đầu can thiệp bằng biện pháp bán USD. Động thái này tác động ngay về mặt tâm lý với thị trường chứng khoán, còn tác động cụ thể ra sao vẫn cần phải theo dõi quy mô, hình thức và tính hiệu quả…
Nhìn chung, tỉ giá vẫn phải kiểm soát nhưng nên theo xu hướng chung của khu vực, đồng thời cân đối với các chỉ số vĩ mô khác.