Đột quỵ do tăng huyết áp ở Việt Nam cao hàng đầu thế giới
Việt Nam trong nhóm nước có tỷ lệ đột quỵ do biến chứng của tăng huyết áp ở mức cao, nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh.
Hai biến chứng nổi bật của tăng huyết áp là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. "Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ biến chứng đột quỵ cao, chỉ thấp hơn Trung Quốc một chút", GS.TS.BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nói tại hội thảo khoa học của Bệnh viện FV ngày 20/4. Trong khi đó, tại nhiều nước, biến chứng nhồi máu cơ tim của tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới từ 23 đến 37%, tức cứ 3 đến 4 người thì có một người mắc. Tăng huyết áp là tình trạng xảy ra khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140, huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị.
Tỷ lệ người mắc tăng huyết áp không thay đổi trong 30 năm qua, song số người được chẩn đoán mắc bệnh tăng từ 648 triệu năm 1990 lên 1,28 tỷ năm 2019. Điều này được lý giải là do sự già hóa và tăng trưởng dân số, người mắc bệnh được phát hiện ngày càng nhiều. Những nước thu nhập thấp và trung bình, như Việt Nam, có lượng người mắc tăng huyết áp cao nhất.
Theo giáo sư Minh, việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp phần lớn vẫn chưa đạt yêu cầu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, các thống kê ghi nhận 25% nam và 21,6% nữ mắc bệnh, song không phải ai cũng đạt được và duy trì huyết áp mục tiêu.
Yếu tố gây khó khăn trong kiểm soát huyết áp là nhiều bệnh nhân còn nghèo, chưa có bảo hiểm y tế, thiếu kiến thức về bệnh. Tăng huyết áp thường diễn tiến thầm lặng, nhiều người không biết mình bị bệnh. Người đã được chẩn đoán bệnh thường không tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc không đủ liều lượng, chưa tích cực thay đổi lối sống theo khuyến cáo.
Thời gian qua, các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khá nhiều người 20-30 tuổi đột quỵ xuất huyết não, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, nguyên nhân là không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh này. Đây được xem là kẻ giết người thầm lặng, bởi nhiều người mắc bệnh vẫn khỏe mạnh, đến lúc đo chỉ số huyết áp mới biết là rất cao.
Tăng huyết áp lâu ngày không kiểm soát tốt có thể biến chứng ở tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim. Ở thận, tăng huyết áp làm tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ. Bệnh cũng có thể gây giảm thị lực, mù lòa, xơ vữa mạch máu dẫn đến đau chân khi đi lại, thậm chí loét, hoại tử phải đoạn chi gây tàn phế. Tăng huyết áp cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn cương dương, đặc biệt nếu kèm đái tháo đường, hút thuốc lá.
Giáo sư Minh khuyến cáo người tăng huyết áp tuân thủ điều trị, tự theo dõi huyết áp tại nhà. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối, hạn chế ăn mặn. Tăng lượng kali, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, giảm hàm lượng chất béo bão hòa và tổng chất béo.
Giảm cân, duy trọng lượng hợp lý, bởi dự kiến huyết áp tâm thu sẽ giảm khoảng một mmHg cho mỗi lần giảm cân một kg. Tích cực hoạt động thể chất, trong đó ưu tiên tập thể dục nhịp điệu, đi bộ nhanh 5-7 lần mỗi tuần, 30-60 phút mỗi buổi. Giảm tiêu thụ rượu, nam không quá 2 ly, nữ không quá một ly nhỏ mỗi ngày.