Tác giả - Tác phẩm

Đào lê mỹ tửu của Thạch Lam

KHÚC HÀ LINH 28/04/2024 08:30

Mọi người hỏi, Thạch Lam cười tủm tỉm, trả lời: đào lê mỹ tửu nói lái thành đề lao mỹ tửu, nghĩa là rượu lậu quý.

emag-cover-desk-219.jpg

Nhà văn Đinh Hùng kể: mồng ba Tết Nhâm Ngọ (1942), Thạch Lam mời một số bạn bè thân về chơi và thưởng thức không khí mùa xuân trang trại gia đình ở Cẩm Giàng. Khách mời là vợ chồng nghệ sĩ sân khấu Thế Lữ- Song Kim, nhà văn Khái Hưng, Trần Tiêu, nhà thơ Huyền Kiêu, Đinh Hùng, bác sĩ kiêm nghệ sĩ Nguyễn Tường Bách và ông Kim Hoàn quản lý Nhà xuất bản Đời nay.

Đinh Hùng ít tuổi nhất nên bị gọi là tiểu tử, nói chệch thành tiểu tửu. Thạch Lam với tư cách chủ nhân đã khoản đãi bạn bè rất nồng hậu nhưng theo tính cách của mình, ngoài những món ăn ngày Tết như bánh chưng, dưa hành, thịt đông, giò lụa còn có rượu xuân quê hương. Ngày ấy, Pháp độc quyền cung cấp rượu cho dân ta. Tất cả các loại rượu trên thị trường đều do các đại lý của Pháp chi phối. Khó khăn là thế, mà nhà văn Thạch Lam vẫn kiếm được vò rượu quý. Ông cho người nhà mang ra một vò rượu lớn, bên ngoài dán giấy hồng có bốn chữ nho "Đào lê mỹ tửu".

Mọi người nhâm nhi tận hưởng hương vị loại mỹ tửu này để phát hiện ra xem đâu là mùi đào, mùi lê. Nhưng chỉ thấy mùi thơm nồng nàn của loại nếp cái được chưng cất. Chẳng ai hiểu, đành hỏi chủ nhân. Thạch Lam cười tủm tỉm, trả lời: đào lê mỹ tửu nói lái thành đề lao mỹ tửu, nghĩa là rượu lậu quý. Tây đoan bắt được nó tống vào đề lao, vào nhà đá.

Tiếng cười oà lên trong khu trại văn chương.

Thạch Lam về ăn Tết ở trại Cẩm Giàng từ hôm ba mươi, bấy giờ trong người đang mệt và sợ rét. Bà Nhu phải cho người đốt đống củi lớn ở giữa nhà cho ấm. Vậy mà không hiểu thế nào Thạch Lam vẫn nhắn các bạn văn chương về chơi và thết đãi tận tình. Không ai ngờ rằng đây là bữa cơm rượu cuối cùng của Thạch Lam và các bạn văn chương trên đất Cẩm Giàng. Bởi tháng 6 năm ấy, Thạch Lam đã vĩnh viễn ra đi.

KHÚC HÀ LINH