Xuất hiện kỳ thi riêng, học sinh lớp 10, 11 cần chuẩn bị những gì?
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các kỳ thi riêng cùng với sự đổi mới trong đề thi tốt nghiệp THPT để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018 buộc học sinh lớp 10, 11 phải có chuẩn bị từ sớm.
Tham gia các kỳ thi riêng từ sớm
Gần 40 trường đại học khác trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh. Kỳ thi này không đánh giá học sinh theo phạm vi kiến thức các lớp THPT, đồng thời theo quy chế thi, kết quả dự thi được bảo lưu 2 năm, vì vậy học sinh lớp 11, thậm chí lớp 10 cũng có thể tham gia. Trong đợt thi vừa qua, có gần 60 thí sinh là học sinh lớp 11 và lớp 10 đã tham gia thi, với tổng điểm rất khả quan.
Đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ mục đích tuyển sinh cho năm 2024 được bắt đầu từ tháng 12/2023. Thời điểm đó, các bạn học sinh lớp 12 cũng chưa học hết học kỳ I.
Tuy nhiên, do đặc điểm của bài thi không đánh giá kiến thức THPT của học sinh, nên các thí sinh vẫn có thể tham gia thi từ rất sớm.
Tương tự như vậy, kỳ thi phục vụ mục tiêu tuyển sinh 2025 hoàn toàn có thể diễn ra từ cuối 2024 hoặc ngay đầu năm 2025. Khi đó, các học sinh học lớp 11 hiện nay đang ở học kỳ 1 của năm học lớp 12, năm học cuối của lứa học sinh THPT đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo GS. Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, các kỳ thi các kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức nhiều lần tại nhiều địa phương, thí sinh đều có thể được tham gia nhiều hơn 1 lần. Tùy từng kỳ thi cũng như khả năng đăng ký thành công của thí sinh. Đây cũng là những cơ hội rất lớn giúp các thí sinh có thể sắp xếp ôn luyện và lựa chọn thời gian phù hợp đồng thời được cọ sát, thử và có cơ hội để rút kinh nghiệm và lựa chọn kết quả tốt nhất sau các đợt thi.
Học sinh lớp 10 và 11 nên và cần phải làm gì?
Theo các chuyên gia tuyển sinh, học sinh lớp 10 và 11 phải xác định định hướng ngành nghề và mục tiêu học tập: Học sinh cần sớm xác định định hướng ngành nghề thông qua việc tham khảo ý kiến gia đình, chuyên gia, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn…
Theo PGS. TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, học sinh phải xác định năng lực bản thân, sự yêu thích và các điều kiện gia đình phù hợp cho nghề nghiệp tương lai. Việc xác định ngành, nghề sẽ cần hoàn thiện sớm để từ đó chọn ngôi trường đại học phù hợp theo mức điểm, lực học, kì thi, phương thức tuyển sinh và khoảng cách địa lí, học phí… Từ đó xác định mục tiêu học tập để tham gia dự thi, cũng như các biện pháp phù hợp với phương án tuyển sinh của trường mà mình lựa chọn.
Ví dụ, học sinh chọn ngành học thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, bên cạnh kỳ thi bắt buộc là kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần tham gia kỳ thi đánh giá tư duy và cần có biện pháp để có thể có mức điểm đỗ vào ngành mình lựa chọn.
Học sinh xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kỳ thi mình tham gia. Chẳng hạn như kế hoạch và lộ trình học tập cũng cần được xác định rõ và phù hợp với thời gian dự thi. Đồng thời, phân phối quỹ thời gian dành cho việc ôn tập của các kỳ thi.
Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể bắt đầu từ tháng 12 và 5 đợt tiếp theo, mỗi đợt cách nhau khoảng 1 tháng. Học sinh cần có lộ trình học tập, không ôn thi dàn trải quá nhiều kỳ thi, xác định trọng tâm ôn luyện để có thể có điểm rơi phù hợp, lựa chọn các đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân hoặc tránh trùng các kì thi bắt buộc khác (ở trường).
Ngoài ra, cần tham khảo các ý kiến chuyên gia, người có kinh nghiệm về việc đăng ký thi (đối với các kì thi trên máy - như đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội - thì việc đăng kí thi cũng rất quan trọng do số lượng ca thi và máy thi đủ điều kiện tại các địa phương là có hạn).
Cũng theo các chuyên gia tuyển sinh, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, nắm vững năng lực của học sinh, bàn bạc để có phương án phù hợp và thống nhất về định hướng ngành nghề và chọn trường đại học. phù hợp với năng lực của con; thường xuyên cập nhật các thay đổi mới của đề án tuyển sinh của các trường đại học phù hợp định hướng để có những lựa chọn phù hợp nhất với điều kiện gia đình và năng lực của con.
Ví dụ, điều kiện gia đình ở Nghệ An, con muốn học ngành khoa học máy tính và năng lực vừa phải thì không nhất thiết phải thi Đại học Bách Khoa ở Hà Nội mà có thể thi Đại học Vinh để phù hợp với năng lực (kết quả thi) và khi đỗ không phải di chuyển hoặc ở quá xa nhà.
Ngoài ra, trong quá trình ôn luyện, ôn tập, phụ huynh cũng có thể cùng con lựa chọn những giải pháp ôn tập - ôn luyện phù hợp từ các nhà cung cấp và thầy cô có uy tín có nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình ôn luyện học sinh đạt kết quả cao trong tuyển sinh đại học.