"Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ"
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh - những câu thơ của Tố Hữu mô tả khí thế rầm rập ngày cả nước dồn sức cho trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...
Từ thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), theo quốc lộ số 6 lên đèo Pha Đin. Sau khi đi được hơn 8 km đến đầu lối rẽ vào bản Có (xã Quài Tở), nếu chú ý quan sát bạn sẽ thấy khu tưởng niệm những thanh niên xung phong đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954)...
Để làm nên Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, bên cạnh chủ trương sáng suốt của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch; tài chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch, tinh thần anh dũng và sự hy sinh của bộ đội ta... còn có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố hậu cần. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội), Bác Hồ đã đúc kết: “Trước kia chỉ đánh nhau về một mặt quân sự, nhưng ngày nay đánh nhau về đủ mọi mặt quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng nên người ta gọi là toàn diện chiến tranh... Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”. Để toàn dân hăng hái tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ, Hồ Chí Minh chủ trương phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Khó khăn lớn nhất của hậu cần trong chiến dịch này là nguồn bảo đảm tại chỗ rất nghèo nàn, xa hậu phương, đường sá ít, xấu và hẹp, chủ yếu là đường độc đạo, bởi Tây Bắc là địa bàn rừng núi hiểm trở, dân thưa thớt không có khả năng huy động hậu cần tại chỗ... Vì vậy, chủ yếu phải vận chuyển từ xa đưa đến, trong khi tuyến vận tải rất dài, qua nhiều địa hình phức tạp, địch đánh phá rất ác liệt. Tuyến từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Sơn La dài hơn 600 km; tuyến từ Nho Quan (Ninh Bình) và Thanh Hóa lên Sơn La dài hơn 300 km; tuyến từ Sơn La đến mặt trận dài hơn 150km. Trên các tuyến đường đó, địch xác định có 40 điểm có thể cắt đứt hiệu quả lớn nên đã cho máy bay đánh phá 1.186 trận vào các tuyến giao thông, ngày cao nhất sử dụng 250 lần chiếc máy bay (có cả B26)... Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông quan trọng như Cò Nòi, Tuần Giáo... là những trọng điểm đánh phá của địch (có ngày chúng ném xuống Cò Nòi và đèo Pha Đin 160 - 300 quả bom các loại).
Để bảo vệ các tuyến vận tải, ta đã điều 2 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, các tiểu đoàn súng máy 12,7 ly đánh máy bay và 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công bám các trục đường bảo đảm giao thông nên suốt thời gian chiến dịch chỉ có 37 đêm đường bị tắc ở một số đoạn.
Như mọi người đều biết: Để làm nên Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, công đầu thuộc về lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải kể đến phần đóng góp mồ hôi và xương máu của hàng chục nghìn thanh niên xung phong. Chính Bác Hồ từng viết: “Chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của bộ đội, cũng đừng bao giờ quên sự cống hiến và hy sinh của thanh niên xung phong”. Trên đôi “vai sắt” của lực lượng thanh niên xung phong, hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng... từ hậu phương được chuyển đến chiến trường Điện Biên qua các con đường thủy, bộ; trong đó, quốc lộ 6 giữ vai trò huyết mạch, góp phần quan trọng nhất cho công tác hậu cần chiến dịch.
Đầu năm 1954, lúc các đơn vị bộ đội hối hả hành quân lên Tây Bắc thì 14.000 thanh niên xung phong theo lệnh điều động của Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ, cũng có mặt để sẵn sàng làm công tác phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, xuất phát từ yêu cầu của chiến trường, hơn 6.000 thanh niên xung phong chuyển sang trực tiếp cầm súng (bộ đội) đối mặt với quân thù, còn lại hơn 8.000 người rải dọc đường 41 (nay là quốc lộ 6A) từ Chợ Bờ - Suối Rút (Hoà Bình), qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La), vượt đèo Pha Đin lên lòng chảo Mường Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên).
Trong thời gian ta nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, theo đề nghị của Đờ-Cát, thực dân Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường 6 suốt 48 ngày đêm liên tục, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc. Đến nay, không có thống kê cụ thể nào về lượng bom đạn mà quân Pháp đã đổ xuống đường 6. Chỉ biết rằng có hơn 300 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống (không kể số bị thương), chủ yếu ở hai vị trí chính là ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).
Cách đây tròn 20 năm, tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng một đài tưởng niệm hoành tráng tại Cò Nòi. Và ngày 19/5/2004 - đúng dịp kỷ niệm 114 năm ngày sinh Bác Hồ, UBND tỉnh Sơn La đã long trọng làm lễ đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia của Bộ Văn hóa, Thông tin, dành cho công trình này.
... Thời gian 70 năm trôi qua nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Kế thừa và phát triển các kinh nghiệm bảo đảm hậu cần cho bộ đội chiến đấu liên tục trên địa bàn rừng núi xa hậu phương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Quân uỷ (Bộ Quốc phòng), với bản lĩnh và trí tuệ, nhất định ngành hậu cần quân đội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần của nền quốc phòng toàn dân và sẵn sàng chuyển thành thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống...