Gia đình

Lương duyên Nam Sách - Điện Bàn

PHẠM XƯỞNG 29/04/2024 15:00

Cuộc gặp gỡ định mệnh khi kể về trận Núi Thành cho cô cán bộ Đoàn người Nam Sách (Hải Dương) đã khiến ông Nguyễn Thanh Trang - người chiến sĩ quê Quảng Nam cảm mến và nên duyên cùng. Ông bà đã viết nên mối lương duyên đẹp đẽ của hai quê hương Nam Sách - Điện Bàn.

vo-chong-ong-trang.jpg
Ông Trang và bà Bình tại nhà riêng

"Mình là Nguyễn Thanh Trang sinh năm 1940. Thiếu tá. Nghỉ hưu năm 1989. Hiện ở với bà xã cùng con, cháu tại thôn Tây, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Mình nhớ đồng đội lắm, nhất là các ông cùng đánh trận Núi Thành với mình đêm hôm ấy...".

Dừng chuyện, bế thốc bao gạo chừng bốn chục ký từ trên chiếc xe máy xuống đưa thẳng vào bếp giúp vợ xong, ông kéo luôn cả bà ra ngồi cùng chúng tôi. Chỉ tay vào vợ - bà Nguyễn Thị Bình, rồi kể tiếp: “Ngoài tôi ra, thì đây là nhân chứng của tình sử Trang Bình - lương duyên Nam Sách-Điện Bàn đôi quê”.

… Cách nay tròn 50 năm, giữa những ngày xuân 1974, ông Trang an dưỡng tại Đoàn 253, gần thôn Đa Đinh, xã An Bình (Nam Sách). Hôm ấy có người phụ nữ đến gặp Ban chỉ huy đoàn xin được nhờ một chiến sĩ kể những dẫn chứng về chuyện đánh Mỹ ở miền Nam, để phục vụ cho công tác mà cô đang đảm nhiệm.

Việc Chỉ huy đoàn giao nhiệm vụ kể chuyện cho ông Trang là đã “trông giỏ bỏ thóc”, bởi ông trực tiếp chiến đấu nhiều trận, đặc biệt là trận Núi Thành lừng danh. Nhưng cũng chính sự việc này đã làm cho trái tim của ông Trang “không ngủ yên”. Cô gái trạc tuổi đôi mươi, da trắng, tóc đen nhánh. Lúc cất giọng: “Em là Nguyễn Thị Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn thôn Đa Đinh” thì đôi mắt to cũng ngước lên nhìn vào mắt ông. Nửa thế kỷ rồi, ông vẫn không phai mờ ấn tượng từ cái nhìn của cô gái tỉnh Đông “giỏi tay cày, hay tay súng” ấy. Nó khiêm nhường, trân trọng và cũng rất “chừng mực cảm tình”… Qua cuộc gặp, ông Trang biết người nữ cán bộ Đoàn vì điều kiện gia đình đã nghỉ học khi đang học dở lớp 8, ở nhà lao động giúp đỡ bố mẹ và tham gia các phong trào địa phương, góp phần chống Mỹ, cứu nước.

Ông Trang kể chuyện đánh giặc bằng cảm xúc của người trực tiếp tham chiến. Chất giọng Quảng Nam hơi nặng, người miền Bắc mới nghe thấy khó hiểu. Đến trận Núi Thành (diễn ra lúc 0 giờ ngày 26/5/1965, ở xã Kỳ Liên, huyện Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam), cách phía tây căn cứ Chu Lai 4 km, ông kể sau cùng, có minh họa bằng động tác nên bà Bình nghe đến đâu là ngấm đến đó.

Nghe ông Trang kể về Đại đội bộ binh 2 cùng 12 chiến sĩ đặc công, thuộc Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam, sau 50 phút đã diệt gọn một Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, tiêu diệt 139 tên, thu toàn bộ vũ khí..., bà Bình vô cùng cảm phục người chiến sĩ phụ trách Tiểu đội trưởng, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm binh khí kỹ thuật cho 75 cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh. Đâu phải đơn giản, ngoài 2 khẩu đại liên và 2 khẩu cối 60, 3 khẩu trung liên, mỗi người còn mang 10 quả thủ pháo (lựu đạn) và một khẩu tiểu liên báng gấp. Bà vô cùng thích thú chi tiết: Khi quân ta đang đánh tại trung tâm căn cứ, bất ngờ một lính Mỹ cao lớn nhảy từ chỗ khuất ra ôm chặt Đại đội trưởng Vũ Thành Năm. Thấy thế, mũi trưởng đặc công Trần Ngọc Ảnh dùng quả lựu đạn giáng vào đầu tên Mỹ làm nó thất thần. Đại đội trưởng Năm dùng súng ngắn kết liễu nó ngay tức khắc rồi tiếp tục cùng anh em xông xáo diệt địch… Bà hân hoan khi nghe ông kết chuyện: “Trận Núi Thành mở đầu phong trào đánh Mỹ của Quân giải phóng ngay khi Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam”.

Với những người chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam anh hùng và các cô gái đảm đang nơi hậu phương hồi đó, từ cảm phục thực sự đến yêu thương chân thành, hầu như không có khoảng cách! Trái tim mách bảo, bè bạn vun vào, tổ chức quan tâm, gia đình đồng ý, ngày 16/11/1974, tại thôn Đa Đinh, hôn lễ của ông Trang và bà Bình đã diễn ra trong sự trân trọng, thương mến của gia đình, làng xóm và niềm vui của hai người.

Tháng 8/1975, ông bà sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Minh. Khi cháu được 14 tháng tuổi, ông đưa 2 mẹ con về quê Quảng Nam. Tháng 4/1977, mang bầu cháu thứ hai vừa được 6 tháng, trong niềm vui khôn tả, bà Bình cũng rộn lên những băn khoăn... Gia đình nhà chồng có 3 liệt sĩ. Cụ ông hy sinh năm 1948 lúc đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Điện Tiến (nay là Điện Thọ). Hai anh trai ông Trang hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ… Ông Trang công tác ở Tỉnh đội Quảng Nam, quân hàm cấp úy, chủ nhật mới về nhà được. Tình hình kinh tế đất nước lúc đó vô cùng khó khăn. Cái thiếu, cái đói không chừa một ai. Rồi đây, nuôi 2 con nhỏ, lẽ nào lại để mẹ chồng vốn đã gồng lưng gánh nỗi đau không thể nào bù đắp nổi, tuổi đã cao, sức lực không còn bao nhiêu, giờ lại phải rờ rẫm chăm con dâu đẻ và hai đứa cháu “trứng gà, trứng vịt”…

Nghĩ vậy, không đợi đến gần ngày “ấp ổ”, bà đi “đánh điện” gọi ông ngoại các cháu vào đưa mẹ con bà về quê An Bình (Nam Sách). Ngày qua tháng lại, hậu quả của chế độ kinh tế bao cấp cũng tiến nhanh tới đỉnh điểm. Từ quê mẹ Nam Sách, bưng bát cơm 8 phần khoai, hai phần gạo, bà Bình nghĩ đến cuộc sống của mẹ chồng nơi đất Quảng mà ứa nước mắt. “Em nhớ anh và thương mẹ vô cùng. Tình hình khó khăn quá. Ở ngoài này, đã có người nói Ba sao không bằng một sào khoán sản - ám chỉ sĩ quan cấp thượng úy phải dựa vào ruộng khoán của vợ... Liệu anh có thay được phần trách nhiệm của em, chăm sóc mẹ chu đáo không?”, bà vẫn tự thầm nói với ông như thế. Mãi đến năm 1988, khi cháu gái thứ 2 - Nguyễn Thị Ánh tròn 10 tuổi, ông chuẩn bị nghỉ hưu, bà mới lại đưa các con trở vào quê chồng.

Tôi ngắt ngang câu chuyện, hỏi ông bà: “Thời bình, thường thì vợ chồng xa nhau một tuần đã là lâu, một tháng đã là sốt ruột…, ba năm quế còn có khi thành củi. Thế mà suốt 10 năm ấy, kẻ Bắc, người Nam, tình cảm của ông bà vẫn không hề hấn gì?”. Ông Trang toát ra vẻ “bền bỉ”: “Sự đời nước mắt soi gương / Càng xa cách lắm, càng thương nhớ nhiều. Nếu còn yêu thì chẳng có gì phải lo”. Ông ý nhị nhìn sang bà. Bà cũng cởi mở với chúng tôi: “Sự thể đúng như ông ấy nói đấy. Giờ thỉnh thoảng nghe thanh niên nó hát cái câu gì… Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn, tôi thấy đúng quá với hoàn cảnh mình lúc đó. Còn thì, bảo rằng tại sao tôi chịu đựng được và một lòng một dạ hướng về chồng, là cũng bởi ông ấy là chiến sĩ đánh trận Núi Thành! Mà rồi lại có hậu nhé. Năm 1995 chúng tôi sinh cháu thứ 3. Nói thật, lúc đầu tôi định đặt tên cháu là Sáng theo vần của cả nhà là Trang - Bình - Minh - Ánh - Sáng. Nhưng ông ấy bảo, đặt tên con là Nguyễn Đức Hậu. Hiện tại, các cháu đã “chồng nào vợ ấy”, phương trưởng cả…

Chia tay vợ chồng người cựu chiến binh trên mảnh đất Điện Thọ anh hùng, chúng tôi mang theo hình ảnh ngôi nhà có nhiều ánh sáng, rạng rỡ những chứng tích ghi công lao của gia đình đối với đất nước. Trong đó, 25 tấm bằng khen, giấy khen các loại mà ông Trang nhận được trong 23 năm ông liên tục làm Bí thư Chi bộ thôn Tây, xã Điện Thọ (1991-2014) được đặt ở vị trí khiêm tốn nhất. Các vị trí trang trọng hơn được dành cho những bằng Tổ quốc ghi công, huân chương, huy chương… Trên cao nhất, ở hai bên tấm ảnh Bác Hồ là bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và tấm Huân chương Độc lập hạng III của cụ Phan Thị Nhạc - thân mẫu của ông Trang.

Còn với vợ chồng ông ư? Có rất nhiều cái để nhớ. Nhưng chúng tôi, ai cũng thích câu mà Chỉ huy Đoàn an dưỡng 253 và bà Bình đã từng nói: “Bởi ông ấy đánh trận Núi Thành”.

PHẠM XƯỞNG