Gia đình

Làng quê Hải Dương ngày giải phóng

LAN HƯƠNG 30/04/2024 05:54

Ngày 30/4/1975, làng quê Hải Dương rộn ràng đón tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải trong niềm vui hân hoan, vỡ òa. Ký ức đó lại ùa về trong những ngày tháng 4 lịch sử này.

z5362881534430_71727e3792fa10590486858543850c3a.jpg
Nhiều người dân thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa (Kim Thành) vẫn nhớ không khí ngày nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước

Khi tin chiến thắng về làng

Ga Lai Khê (Kim Thành) in hằn nhiều vết thương chiến tranh lại là nơi đầu tiên người làng nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trưa 30/4/1975, trời trong xanh, lộng gió, lũ trẻ làng Lai Khê chơi đánh đáo ở sân ga thì nghe tiếng người hô vang lẫn với tiếng còi tàu “Giải phóng rồi. Miền Nam chiến thắng rồi bà con ơi!".

Ông Nguyễn Quang Toàn (62 tuổi) ở thôn Lai Khê, xã Cộng Hòa (Kim Thành) kể cho chúng tôi nghe như thế về quê ông lúc đón tin giải phóng, thống nhất đất nước 49 năm trước.

“Trước ngày 30/4 một tuần, giờ ra chơi chúng tôi thường xúm xít xem tấm bản đồ miền Nam đã ngả vàng được thầy chủ nhiệm treo trên bảng. Mỗi thành phố được giải phóng, thầy lại vẽ một lá cờ đỏ sao vàng bên cạnh. Hôm đó sau khi nghe tin, thầy vẽ lá cờ đỏ lên địa danh Sài Gòn. Tôi ba chân bốn cẳng chạy vội về nhà, từ cổng đã hô to: Mẹ ơi miền Nam giải phóng rồi. Hết chiến tranh rồi mẹ ơi, rồi ào vào bếp ôm chầm lấy mẹ”, ông Toàn kể lại.

z5354011310967_ba8a400a433e1f2c288b8e7ffc3d0eef.jpg
Ông Phan Đình Hưng ở xã Lai Vu (Kim Thành) hào hứng kể về ngày 30/4/1975

Ông Phan Đình Hưng ở xã Lai Vu (Kim Thành) cũng hào hứng kể: "Khi hay tin chiến thắng, người làng tôi ào ra đường lớn, hòa vào dòng người lên UBND xã tập trung, hô vang Việt Nam-Hồ Chí Minh. Nhiều gia đình trong xóm tôi hôm đó làm cỗ to mừng chiến thắng".

Chiến tranh, chẳng làng quê nào ở Hải Dương lại không hằn thương tích. Khi tin thống nhất bay về, bao nỗi đau như được khỏa lấp bởi niềm vui non sông thu về một mối sau bao ngày mong đợi. Ngày 30/4 năm ấy ở các làng quê của Hải Dương thực sự như ngày hội lớn.

z5354152200084_6753c5b4e4c2a3123dd3b802a76e1fdc.jpg
Trên con đường này năm xưa nhân dân xã Lai Vu (Kim Thành) ào ra đường ăn mừng Chiến thắng 30/4/1975

Ông Nguyễn Đình Tuyến (84 tuổi) ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) từng là Phó Trưởng Ban Thông tin truyền thanh huyện, phụ trách Đài Truyền thanh huyện Gia Lộc năm 1975. Ông Tuyến còn nhớ như in, khoảng 12 giờ 30 ngày 30/4/1975, khi đang trực để tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện Gia Lộc thì ông nghe trên chính hệ thống loa của đài mình: “Sáng 30/4, trong thế thua rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11 giờ 30, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…”.

z5351474614640_e85c1024f8009e8d2d2ddd98da8eb97b(1).jpg
Ông Nguyễn Đình Tuyến (bên phải), ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) nhớ về ngày giải phóng miền Nam

Trước đó, chương trình của Đài Truyền thanh huyện Gia Lộc chỉ phát vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần. Từ khi biết tin miền Nam giải phóng, ông đã trực tiếp lên chương trình tuyên truyền dày dặn, phát hằng ngày, xoay quanh sự kiện lịch sử trọng đại này. Lúc đó, ngoài ông Tuyến, Đài Truyền thanh huyện Gia Lộc còn 1 phóng viên khác, 1 kỹ thuật chạy máy tăng âm kiêm phát thanh. “Tôi trực tiếp xuống các xã, phỏng vấn từ Bí thư Đảng ủy đến nông dân trong niềm vui sướng chung của dân tộc”, ông Tuyến kể. Ông Tuyến còn cho ra các chương trình: “Vợ bộ đội”, “Mẹ anh hùng” để ca ngợi những tấm gương, động viên tinh thần của những gia đình có chồng, con đi chiến đấu, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của đất nước.

Với nhiều người Hải Dương, ngày nhận tin chiến thắng 30/4/1975 năm ấy đã trở thành một kỷ niệm đặc biệt khó quên.

Nhớ người ra trận

files-library-images-site-1-20180424-web-hai-duong-ngay-ay-304-11-155046-36a3a633fe6278959d2c6ddf7daf8918.jpg
Nhiều người dân từ các làng quê khăn gói lên thị xã Hải Dương mít tinh chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 (ảnh tư liệu)

Ngày thống nhất non sông có nhiều điều nghĩ đến. Song hầu hết những người chúng tôi gặp đều bảo ngoài niềm vui, nghĩ về tương lai còn nhớ đến người ra trận. “Ngày 30/4/1975, tôi vui suốt buổi vì nghĩ chiến tranh kết thúc cũng là lúc chồng tôi trở về, gia đình sum họp. Bữa cơm hôm ấy đạm bạc chỉ canh rau muống và cà muối mà ai ăn cũng thấy ngon. Bố mẹ chồng suốt bữa bàn về dự định tương lai khi con trai trở về và bảo nhất định vợ chồng tôi phải sinh cho ông bà một cháu nội”.

Câu chuyện về ngày thống nhất đất nước do bà Nguyễn Thị Huyên ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) kể trên cũng là tâm trạng chung của không ít gia đình ở các làng quê của Hải Dương ngày ấy.

Ngày ấy, đội văn nghệ của xã Hưng Đạo được huy động gấp, tập ngày tập đêm vở chèo "Ngày hội non sông" để biểu diễn đón các anh về, mừng miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Nhiều gia đình trong thôn quét ve mới cho tường nhà, lợp lại mái ngói. Còn với những gia đình có những người con đã anh dũng hy sinh trong chiến trận cũng lau dọn lại bàn thờ, chuẩn bị đồ cúng lễ, bởi họ tin rằng những người lính đã hy sinh bây giờ linh hồn mới thực sự trở về với gia đình, làng xóm.

Trong niềm vui đất nước thống nhất ấy, vẫn có những người vợ, người mẹ ngậm ngùi nhớ người ra trận.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lũy ở thôn Nhuế Sơn, xã An Sơn (Nam Sách), năm nay 101 tuổi nhưng vẫn minh mẫn. Mẹ kể, quá trưa 30/4/1975, nghe mọi người trong xóm loan tin Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng, mẹ chưa dám tin đó là sự thật. Ngày ấy ở An Sơn nhà nhà treo cờ Tổ quốc, tiếng nói cười vang khắp đường làng.

z5351472772621_4b1ef2e96e3db6fc376642d9ddb817aa.jpg
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lũy ở thôn Nhuế Sơn, xã An Sơn (Nam Sách) có con trai cả hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhớ lại ngày 30/4/1975

Vậy mà ngày ấy khi đối diện với di ảnh của người con là liệt sĩ trên ban thờ, lòng mẹ quặn thắt. Đất nước thống nhất nhưng người con cả của mẹ mãi mãi không trở về. Thi hài của anh không biết nằm lại nơi đâu. “Đau lắm nhưng con tôi đã hy sinh cho Tổ quốc, để đất nước có ngày thắng lợi và được như hôm nay”, mẹ Lũy nói. Ngoài người con trai cả hy sinh năm 1969 tại chiến trường miền Nam, mẹ Lũy còn có người con trai thứ hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1979.

Còn biết bao câu chuyện ở các làng quê Hải Dương trong những ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cách đây 49 năm trước được chúng tôi ghi lại chưa thể kể hết. Vui nhiều, nhớ nhung cũng không ít bởi chiến tranh đã qua lâu nhưng còn không ít người con Hải Dương đã anh dũng ngã xuống vẫn chưa thể trở về với đất mẹ...

LAN HƯƠNG