Mong một "cú huých" để có "xã hội đọc sách"
Một phương thức “khuyến đọc” hiệu quả, nhằm xây dựng một “xã hội đọc sách” vẫn là chiếc kim nơi đáy biển…
Chở gần kín thùng xe bán tải sách truyện tới nơi quyên góp, chị bạn tôi đầy tâm trạng: “Cứ tâm niệm Yêu con sách chất đầy nhà - Ghét con đi chợ mua quà cho con - thế mà không phải”.
Bạn tôi vốn là người mê sách, ham đọc sách, từ nhỏ. Mỗi lần chuyển nhà, xây nhà…, chị luôn dành hẳn một phòng để làm thư viện tại gia. Từ khi có con, mỗi tuần, chị đều bổ sung thêm 1-2 cuốn sách với lời đề tặng âu yếm cho 2 con nhỏ của mình. Cháu đầu ham đọc sách như mẹ, quan sát tốt, thông minh và học giỏi, đã du học và xác định lập nghiệp ở nước ngoài. Cháu sau cũng học hành không kém, nhưng… hầu như không đụng vào cuốn sách nào, ngoài sách giáo khoa đang học ở trường phổ thông. Nhìn kho sách (chắc phải tới cả vạn cuốn) với những dòng chữ đề tặng nắn nót bị bụi phủ lâu ngày, chị quyết định không giữ trong nhà nữa.
“Tôi tiếc những bài học làm người, những câu chuyện nâng đỡ tâm hồn, những kỹ năng sống, những kiến thức muôn mặt… của tủ sách gia đình. Nhưng giờ trong nhà đã hầu như không có ai đọc sách nữa. Vợ chồng tôi mắt càng ngày càng kém, giảm đọc đã đành. Con, rồi cháu, cả năm không thấy cầm tới quyển sách giấy”.
Tình cảnh “cả năm không cầm tới quyển sách”, có vẻ như không xa lạ trong xã hội bận rộn và sự phủ sóng của công nghệ ngày nay. Dù các ấn phẩm được in ấn công phu, giấy tốt, minh họa đẹp…, nhưng đọc sách dần không còn là thói quen; việc khám phá các chân trời tri thức từ sách báo không còn là khát khao cháy bỏng trong nhiều người. Số người yêu sách, thích đọc sách, gắn bó với sách vẫn còn, nhưng dường như cũng đang thu hẹp lại. Đáng lo nhất là thế hệ kế tiếp, số trẻ em, học sinh ham đọc sách đang ngày càng ít dần đi.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Thư viện Việt Nam năm 2013, “xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách của công chúng” là có thật. Gần 10 năm sau, năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Xuất bản và Giáo dục IPER dẫn một khảo sát cho thấy: Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Trong một khảo sát đối với sinh viên TP Hồ Chí Minh, có tới 25,15% người được khảo sát cho rằng việc đọc sách là “bình thường, có hay không cũng được”. Theo thống kê, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn” cho biết về một cuộc khảo sát cá nhân khác: Khảo sát 530 phiếu phỏng vấn, trong đó 253 phiếu dành cho nông dân thì câu trả lời về số lượng sách đọc là 0. Với trẻ em, số liệu chênh lệch đọc với thị trấn đến mức tệ hại. Ở các trường vùng thuần nông, các em đọc 0,2- 0,8 cuốn/năm (ngoài SGK), ở thị trấn, con số này là 5 cuốn/năm”.
Không có hứng thú đọc sách, lười đọc sách văn học, thiên hướng đọc sách mỏng hơn, “đọc lướt” hơn, đọc theo “trend”, dành nhiều thời gian cho mạng xã hội…, là hiện thực khiến những người “yêu sách” trăn trở nhiều năm nay. Bởi lẽ, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận, dạy cho con người cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Thế nhưng, khi thói quen đọc sách và văn hóa đọc dần mai một, lại bị các sản phẩm văn hóa vô bổ, độc hại vây bủa, con người sẽ rơi vào tình trạng hụt hẫng về kiến thức, cùn mòn về ngôn ngữ, trơ cứng, vô cảm về tâm hồn, dễ bị những thói xấu, những nhận thức lệch lạc xâm chiếm.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới tình trạng “lười đọc sách” trong xã hội, đặc biệt trong giới trẻ. Ở phía gia đình, đó là việc chưa chú ý tới rèn rũa thói quen đọc sách ngay từ nhỏ cho con em. Về phía nhà trường, thời gian học trên lớp (và phụ đạo) quá nhiều, khiến trẻ không còn thời gian tự học, tự tìm tòi, khám phá thế giới qua thực tế và sách báo. Về phía người viết, dường như chưa thực sự “hiểu” được thị hiếu lành mạnh của người đọc, nhất là bạn đọc trẻ để sáng tạo, đổi mới đủ thu hút độc giả. Nhiều nhà xuất bản làm tốt công tác tiếp thị, nhưng đa số vẫn chỉ hướng tới các ấn phẩm dễ phát hành, không mặn mà với các tác phẩm “kén” người đọc. Không gian, môi trường cho gây dựng và phát huy văn hóa đọc chưa đủ, người đọc chưa thể dễ dàng có một địa điểm đọc, tìm hiểu sách; hoạt động truyền bá sách qua các kênh truyền thông còn chưa thực sự hiệu quả; công tác phát hành chưa vươn được tới những vùng khó khăn đang “khát” sách…
Những nguyên nhân đó tồn tại trong thời điểm công nghệ nghe nhìn phát triển, con người có nhiều lựa chọn hấp dẫn cho hoạt động giải trí, cộng với thời gian ngày càng bó hẹp… đã và đang khiến văn hóa đọc rơi vào thế báo động.
Rất nhiều giải pháp nhằm chấn hưng văn hóa đọc đã được đưa ra, dành cho các vị phụ huynh, các thầy cô giáo, các tác giả, nhà xuất bản, nhà quản lý văn hóa…. Không ít cá nhân, tổ chức thiện nguyện chủ động đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ… để xây dựng, duy trì các tủ sách trong nhà trường, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, đến nay, thói quen đọc, văn hóa đọc vẫn chưa thực sự được hình thành trong các gia đình, nhà trường (và xã hội) khi mà thời gian dành cho sách (tự đọc, tự học) gần như không có nhiều trong điều kiện chương trình, sách giáo khoa vẫn còn “nặng tải”. Các hình thức đọc mới, phương thức tiếp nhận phù hợp hơn trong thời đại số cũng đã được các tác giả và nhà sách lưu tâm, song vẫn chưa là điều kiện cần để “nhóm” lên “ngọn lửa” đam mê đọc. Không gian đọc sách tại nhiều nơi đã được cải thiện, nhiều sáng kiến, mô hình “đưa sách tới người đọc” đã được áp dụng, song số người đọc (nhất là người đọc trẻ) gắn bó chưa được lâu dài. Các hoạt động quảng bá sách dưới nhiều hình thức như ngày hội sách, thi sáng tác, thi kể chuyện sách, thậm chí kết hợp tặng những quà tặng có giá trị.., nhưng cũng vẫn chỉ là duy trì trong cộng đồng những người yêu sách, chứ chưa thực sự là cú huých tạo nên một “làn sóng” văn hóa đọc, như “làn sóng” của “Đào, Phở, Piano” đối với phim tài liệu Việt gần đây. Một phương thức “khuyến đọc” hiệu quả, nhằm xây dựng một “xã hội đọc sách” vẫn là chiếc kim nơi đáy biển, tìm hoài chưa thấy.
10 năm trước, nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc trau dồi kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày 21/4 còn có ý nghĩa sâu sắc bởi là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách.
Từ đó đến nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trở thành sự kiện văn hóa nổi bật đối với những người yêu sách và cả cộng đồng. Tuy nhiên, đối với những người yêu sách, những người trăn trở với văn hóa đọc, điều mong mỏi lớn nhất vẫn không dừng lại ở những ngày kỷ niệm. Điều cần nhất hiện nay là một cuộc “tổng điều tra văn hóa đọc” để đánh giá đúng thực trạng đọc sách trong xã hội; phân tích những nguyên nhân cơ bản, mấu chốt khiến văn hóa đọc phát triển chưa tương xứng với tầm quan trọng của nó; từ đó có chiến lược đúng đắn, hiệu quả, thực chất, có những “cú huých” đủ mạnh, để phát triển văn hóa đọc một cách toàn diện, từ trong mỗi gia đình, tới nhà trường và xã hội, hình thành nên một “xã hội đọc sách” như từng xây dựng “xã hội học tập” trong cộng đồng.