Đề xuất hàng loạt giải pháp hiệu quả trong thu hồi nợ tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng là động lực cho tăng trưởng tín dụng nhưng thực tế dư nợ lĩnh vực này lại đang bị suy giảm. Nợ xấu tăng mạnh, tạo áp lực cho các công ty tài chính.
Khả năng trả nợ thấp, thu hồi nợ gặp nhiều gian nan
Hiện, Việt Nam có 15 công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, đang hoạt động. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các CTTC khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), số liệu thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, đây là con số tương đối lớn.
Thế nhưng kinh tế khó khăn đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của nhóm khách hàng, vốn đa phần là người có thu nhập thấp, dễ bị ảnh hưởng, tổn thương do tác động của tình hình kinh tế, xã hội
“Những tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm qua. Nguyên nhân do sự khó khăn của kinh tế nên khách hàng trả nợ thấp; ý thức trả của người đi vay không tốt, người vay cố tình không trả nợ; cố tình chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ thu nợ. Bên cạnh đó, hiện chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động thu hồi nợ tài chính tiêu dùng, dẫn đến ngân hàng thương mại (NHTM), CTTC không có công cụ để thu hồi nợ”, ông Nguyễn Hồng Quân - Thành viên Hội đồng VNBA, Phó Tổng Giám đốc TPBank cho biết.
Cùng với đó, nợ xấu tăng cao, các NHTM, CTTC phải trích lập dự phòng lớn, dẫn đến buộc phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD, đặc biệt của các CTTC gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Home Credit Việt Nam, lợi nhuận sau thuế của công ty tài chính này đạt 375 tỷ đồng, cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng nhưng thấp hơn nhiều mức lợi nhuận ròng 1.100 tỷ đồng của năm trước.
FE Credit đã bắt đầu có lãi trở lại từ quý IV/2023, sau 5 quý liên tiếp lỗ do các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, đặc biệt sức hấp thụ vốn suy yếu. Trong khi đó, một số CTTC khác, tình hình hoạt động vẫn còn khó khăn do kinh doanh rất thận trọng trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro. Ví dụ, Mirae Asset lỗ 963 tỷ đồng trong năm 2023, sau mức lãi 120 tỷ đồng trong năm 2022; Shinhan Finance sau khi mua lại Công ty tài chính Prudential cũng báo lỗ hơn 460 tỷ đồng, Mcredit giảm lãi 70%...
Về hoạt động thu hồi nợ trên thị trường tài chính tiêu dùng, tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các CTTC khoảng 138,8 ngàn tỷ, dư nợ xấu chiếm tới gần 18% nợ xấu cho vay tiêu dùng của toàn hệ thống….
Kiến nghị khung pháp lý thu hồi nợ, xử nghiêm tình trạng “bùng nợ”
COVID-19 đã đẩy nhiều người có thu nhập thấp là những khách hàng chính của tín dụng tiêu dùng vào tình trạng tài chính khó khăn, giảm khả năng trả nợ. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả thu hồi nợ tiêu dùng là hết sức thiết yếu.
Hiện, giới tài chính, ngân hàng đều trăn trở về nhóm khách hàng "bùng nợ có chủ đích". Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều hội nhóm chia sẻ cách thức bùng/trốn tránh trả tiền vay từ các website/ứng dụng trực tuyến.
“Khách hàng có xu hướng hành xử đối với khoản vay tại CTTC tương tự như đối với các App/Website/tổ chức cho vay không phải TCTD”, ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng – VNBA, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Mcredit chia sẻ.
Theo ông Lê Quốc Ninh, một số thủ đoạn đang được phổ biến như: Điền những thông tin "ảo" về email, địa chỉ và số điện thoại công ty nơi làm việc; cố tình thay đổi thông tin liên hệ, nơi sinh sống và nơi làm việc sau giải ngân. Những thủ đoạn này đang gây khó khăn trong việc đánh giá khách hàng, nhắc nợ và thu hồi nợ. Còn các CTCT tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, thu hồi nợ bao gồm vận hành, nhân lực, cũng như chi phí pháp lý liên quan.
Trước thực trạng này, ông Lê Quốc Ninh kiến nghị: Bộ Công an cần xây dựng các hướng dẫn cụ thể, thống nhất để xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ một cách có chủ ý; xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các CTTC tiếp cận Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu gian lận trong việc trộm cắp danh tính, giả mạo danh tính.
“Triển khai công cụ chấm điểm mức khả tín, khai thác Big Data (thông tin thuế, thông tin sử dụng dịch vụ tiện ích, thông tin thuê nhà…), nghiên cứu bộ chấm điểm Alternative Scoring (chấm điểm tín dụng bằng dữ liệu thay thế) và chấm điểm hành vi của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), cũng như các NHTM để nâng cao tính tin cậy của công cụ…”, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Mcredit cho biết.
Đối với NHNN, đại diện một số CTTC kiến nghị: Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phù hợp thực tiễn hoạt động thu hồi nợ tiêu dùng. NHNN với vai trò là cơ quan quản lý, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan cấp trên nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để cho phép và kiểm soát hoạt động cung cấp dịch vụ xử lý nợ chuyên nghiệp.
Kinh doanh Dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đang bị cấm tại Việt Nam theo Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, các hoạt động đòi nợ thuê không hề biến mất mà trở nên biến tướng khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia. “Hiện thị trường Việt Nam vẫn thiếu dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp, trong khi đây là lĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển. Hoạt động này nên được quy hoạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ ràng và minh bạch về điều kiện thành lập, hoạt động, cơ chế kiểm soát rõ ràng thay vì bị cấm như hiện nay”, ông Lê Quốc Ninh đề xuất.
Ông Nguyễn Hồng Quân kiến nghị: Lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường triệt phá, xử lý nghiêm minh các đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các bộ Luật và các văn bản pháp quy dưới luật, như Nghị định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần có quy định về trách nhiệm của cá nhân vay vốn (người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính) về nghĩa vụ “Vay - Trả” và điều kiện để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong vai trò người sử dụng dịch vụ (người tiêu dùng).
“NHNN và các Bộ, ngành phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ sở hành lang pháp lý đối với mảng cho vay tiêu dùng theo mô hình công ty công nghệ tài chính (Fintech), App online...; đề xuất nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép các tổ chức thu hồi nợ trung gian chuyên nghiệp hoạt động thu hồi nợ, hỗ trợ cho các NHTM/CTTC trong cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, đề xuất NHNN xem xét quy định về phân loại nợ với các khoản cho vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm và có quy mô nhỏ”, Phó Tổng Giám đốc TPBank kiến nghị.
Trước tình hình còn phức tạp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khuyến nghị: Các ngân hàng cho vay chặt chẽ hơn, tránh gây mất an toàn hệ thống. Việc nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống người dân, giảm "tín dụng đen" là điều cần thiết. Song, về phía ngân hàng cũng phải chia sẻ với khách hàng. Cụ thể, khi khách hàng trả nợ cần xem xét miễn giảm lãi, để họ thấy rằng dù khó khăn hoặc cố tình không trả nợ, đến khi hợp tác thì ngân hàng có phương pháp miễn, giảm nợ nhân văn...