Ngày 19/4/1954: Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc"
Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc" để giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để đánh toàn thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nghị quyết nêu rõ: “hai đợt tấn công 1 và 2 của quân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tiêu diệt 2/5 sinh lực địch, chiếm lĩnh những cao điềm ở phía bắc và hầu hết những cao điểm ở phía đông khu Mường Thanh, khống chế sân bay và hạn chế có hiệu quả tiếp tế của địch, tạo những điều kiện căn bản cho quân ta hoàn thành nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra khuyết điểm mà nhiều cán bộ ta mắc phải, đó là “chủ quan khinh địch, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái nên đã gây nên ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế thắng lợi của ta một phần”.
Đồng thời, Nghị quyết chỉ rõ: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vậy ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này".
Theo đó Nghị quyết yêu cầu các cấp chỉ huy và toàn thể cán bộ phải: “Ra sức đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điềm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ra sức khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị và giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Đem toàn lực chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Để giành toàn thắng cho chiến dịch này, Nghị quyết cũng yêu cầu “toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết đề giành toàn thắng cho chiến dịch này. Toàn thể cán bộ và đảng viên ở các đơn vị và cơ quan ở mặt trận Điện Biên Phủ phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong chiến dịch lịch sử này, đồng thời làm cho toàn thể chiến sĩ thấu triệt quyết tâm của Trung ương, tiếp tục phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Thực hiện Nghị quyết này, các Khu ủy, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tận lực huy động sức người, sức của tại địa phương mình. Trong Tổng tập “Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954” của Đại tướng Hoàng Văn Thái ghi rõ: “Nhân dân Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Thanh - Nghệ - Tĩnh với lòng yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc cao độ, lại được cuộc cải cách ruộng đất cổ vũ, đã hăng hái đi bộ đội, dân công, đóng góp thóc gạo, trâu bò, gà lợn... cho tiền tuyến. Nhân dân vùng sau lưng địch cũng gửi con em, thóc gạo cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Để bảo đảm thông đường từ hậu phương lên (tất cả khoảng 3.300 ki-lô-mét), ta sử dụng 25 đội chủ lực cầu đường gồm 5.000 người, 1.200 thuỷ thủ ở 60 bến phà, hàng vạn dân công. Bộ Tổng tham mưu sử dụng thêm một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 và nhiều đại đội súng máy cao xạ 12,7 bảo vệ các trọng điểm. Để làm nhiệm vụ vận chuyển, ngoài 628 xe ô tô, còn có mấy chục vạn dân công, hàng vạn xe đạp thổ, hàng nghìn bè mảng và mấy trăm ngựa thồ. Trên mặt trận vận chuyển, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và ngành giao thông đã phát huy sự cố gắng cao độ, quyết chiến thắng âm mưu địch định cắt tiếp tế của ta. Với khẩu hiệu: "không một quả bom nổ chậm nào bị bỏ sót, không một đoạn đường nào không được sửa, không một đêm nào để lỡ kế hoạch vận chuyển", họ đã làm việc suốt ngày đêm để bảo đảm thông đường.
Dân công đã cố gắng gùi gánh gấp đôi, có người vác hàng trăm ki-lô-gam, có xe đạp thổ trên ba tạ, các xe ô tô tăng thêm tốc độ xếp hàng và bốc dỡ, kéo dài thêm cung độ vận chuyển. Trên tuyến Nậm Na, các bè mảng vượt qua hàng trăm thác để đưa gạo về Lai Châu. Bộ đội cao xạ bắn rơi nhiều máy bay. Các thủy thủ lái phà liên tục đêm này qua đêm khác chở xe qua sông. Đây là một cuộc chiến đấu của hàng chục vạn con người”.
Đi đôi với sự nỗ lực của hậu phương, của mặt trận vận chuyển, ở tiền tuyến quân ta cũng có những nỗ lực hết sức to lớn. Bộ đội được kịp thời chấn chỉnh, bổ sung quân số, trang bị, tổng kết kinh nghiệm huấn luyện ngay tại chiến trường.