Phát hiện hóa thạch bò sát biển lớn nhất, dài tới 25m
Theo các chuyên gia, hóa thạch được một bé gái 11 tuổi phát hiện trên bãi biển ở hạt Somerset, Anh có thể của thằn lằn cá, loài bò sát biển lớn nhất từng tồn tại.
Thằn lằn cá sống trong thời kỳ khủng long. Đến nay khoa học đã biết hơn 100 loài thằn lằn cá.
Loài mới được phát hiện này được cho là đã lang thang khắp các vùng biển vào cuối kỷ Triassic, khoảng 202 triệu năm trước. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tin rằng đây không chỉ là một loài mới, mà còn là một chi thằn lằn cá hoàn toàn mới.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loài này là Ichthyotitan severnensis, có nghĩa là "thằn lằn cá khổng lồ của Severn", theo tên của cửa sông Severn nơi nó được tìm thấy.
So sánh với hóa thạch của các loài thằn lằn cá khác cho thấy sinh vật này có chiều dài khoảng 25m, tương đương kích thước một con cá voi xanh.
Trầm tích trong các mẫu vật này có chứa các loại đá cho thấy động đất và sóng thần xảy ra trong thời gian đó. Điều này cho thấy loài này sống trong thời gian hoạt động núi lửa dữ dội có thể dẫn đến sự kiện tuyệt chủng lớn vào cuối kỷ Triassic, theo các nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Plos One ngày 17/4.
Thằn lằn cá là một trong những loài săn mồi biển thống trị trong kỷ nguyên Mesozoi, từ 251,9 triệu đến 66 triệu năm trước. Chúng đạt được kích thước khổng lồ vào thời kỳ đầu của Đại Trung Sinh, nhưng phải đến cuối kỷ Triassic thì loài lớn nhất mới xuất hiện.
Trong khi Mesozoi được biết đến là thời đại của khủng long, thì thằn lằn cá lại không phải là khủng long. Thay vào đó, chúng tiến hóa từ một nhóm bò sát khác. Con đường tiến hóa của chúng phản ánh chặt chẽ con đường tiến hóa của cá voi - loài tiến hóa từ động vật có vú trên cạn, sau đó quay trở lại biển. Và giống như cá voi, chúng hít thở không khí và sinh con.