Đời sống văn hóa

Sống cùng kỷ vật thời chiến

NGUYỄN THẢO 30/04/2024 15:00

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật một thời mưa bom, bão đạn vẫn được những người lính năm xưa nâng lưu, giữ cẩn thận.

kyvatthoichien.jpg
Ông Dương Quang Tiến và vợ là bà Nguyễn Thị Thắm ở phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cùng ôn lại kỷ niệm về bức thư tình thời chiến

Tình yêu vượt bom đạn

Giữa những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, ranh giới sự sống và cái chết mong manh, tình yêu chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng ông Dương Quang Tiến, sinh năm 1944 và bà Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1947 ở phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình (TP Hải Dương).

Lật giở cẩn thận từng bức thư tình của vợ chồng ông đã nhuốm màu thời gian, ông Tiến nhớ bức thư đầu tiên gửi về cho bà Thắm tròn 60 năm trước. Trong thư có đoạn: Viết thư này cho em dưới giao thông chiến đấu chính lúc này anh nhớ em vô cùng, giá lúc này mà có em ở bên cùng với anh chắc tay súng thì hạnh phúc biết bao nhiêu... Tuy rằng em không ở bên anh nhưng chắc rằng em vẫn đang sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng cần, đó cũng là chiến đấu.

Ông Tiến nhớ lại khi tình yêu giữa hai người vừa mới chớm nở đã phải gác lại bởi chiến tranh. Tháng 2/1964, ông Tiến nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại đơn vị Pháo binh, Tiểu đoàn 12, Sư đoàn 350 (Quân khu 3) tại Quán Toan, Hải Phòng. Cùng năm đó, bà Thắm tham gia phong trào thanh niên tại địa phương, sau đó nhận nhiệm vụ ở Trung đội nữ dân quân trực chiến tập trung ở huyện Cẩm Giàng. Chính những bức thư ấy là nguồn động viên, niềm tin mạnh mẽ để người lính ở chiến trường vượt qua mưa bom, bão đạn và để cho người con gái ở hậu phương thêm tin tưởng có ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, người yêu trở về.

Sau khi vào mặt trận Quảng Trị chiến đấu, những lá thư ông Tiến gửi về cho người yêu, người thân thưa dần do chiến tranh khốc liệt. Có những lá thư được viết chậm chạp, cẩn thận trong những đêm dài canh gác. Có những lá thư được viết vội vàng, vắn tắt trong những khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh hay những phút dừng chân trên chặng đường hành quân. “Vì điều kiện chiến tranh, có khi phải 6 tháng thư mới tới tay. Mỗi lần nhận thư, cảm giác tiền tuyến và hậu phương được gần hơn một chút", ông Tiến nhớ lại.

chi-thao(1).jpg
Những cánh thư tình nhuộm màu thời gian mà vợ chồng ông Tiến còn lưu giữ được

Khó khăn là thế nên theo ông Tiến, nhiều khi những bức thư đã không còn riêng tư mà thành niềm vui chung. Khi thư đến và đi, khi gửi và nhận đều được mở ra đọc cho tất cả đồng đội cùng nghe. Trong các lá thư của ông Tiến gửi về cho bà Thắm, chúng tôi không hề thấy có một chút bi lụy vì chiến tranh mà luôn vững tin đến ngày đất nước giải phóng. Bức thư được ông Tiến viết ngày 1/1/1968 có đoạn thơ đầy lãng mạn: “Năm nay xuân đến nơi tiền tuyến/ Khói lửa ngày đêm những mịt mù/ Nhớ em anh viết một đôi câu/ Gửi em người vợ hiền yêu dấu/ Cả tâm hồn anh nơi chiến đấu xa xôi”.

Đến tháng 3/1971, ông Tiến về an dưỡng tại Đoàn 581 ở Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam) và đã xin nghỉ phép về tổ chức đám cưới với bà Thắm. Tháng 2/1972, ông phục viên về địa phương công tác tại UBND xã Thanh Bình (nay là phường Thanh Bình, TP Hải Dương). Các con của ông Tiến được đặt tên là Trung, Hiếu, Nghĩa, Tình với ý nghĩa về câu chuyện tình yêu trọn vẹn, đi qua thời khói lửa của bố mẹ. Cùng với những lá thư của bản thân, ông Tiến còn giữ gìn cẩn thận, nâng niu những lá thư của người đồng đội đã hy sinh; 2 cuốn nhật ký ở chiến trường và 1 tập thơ thời chiến.

Cả đời nâng niu

baloooo.jpg
Ông Lê Văn Tước ở thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục (Tứ Kỳ) chia sẻ câu chuyện gắn với kỷ vật thời chiến cho thế hệ sau

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp thăm và trò chuyện với người lính Điện Biên năm xưa Lê Văn Tước (sinh năm 1930) ở thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục (Tứ Kỳ). Ông Tước xúc động kể cho chúng tôi nghe về những kỷ vật thời chiến mà ông luôn gìn giữ như báu vật. Đó là chiếc ba lô con cóc, tấm vải dù và dây thắt lưng ông được trang cấp từ những ngày đầu nhập ngũ.

Năm 1950, chàng thanh niên Lê Văn Tước đã viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ. Ông được biên chế vào Trung đoàn 176, sau đó được cử đi học lớp y tá rồi chuyển sang đơn vị mới ở Đại đoàn 316. Đầu năm 1954, ông Tước cùng đồng đội lên Điện Biên làm công tác quân y phục vụ chiến đấu. Chiếc ba lô may bằng vải thô màu xanh lá cây, có quai đeo, ông được đơn vị trang bị từ ngày đầu nhập ngũ. Từ đó trở đi, chiếc ba lô đã gắn liền với ông trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, ông Tước hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh nhiều kỷ vật như giấy chứng nhận huy hiệu Điện Biên Phủ, những bức ảnh thời chiến… Nhưng ông vẫn giữ lại chiếc ba lô để nhớ về một thời hy sinh gian khổ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Tước nhớ khi ấy các đại đoàn phải căng mình phục vụ cứu chữa cho thương binh, bảo đảm sức khoẻ cho các chiến sĩ tham gia chiến dịch. Với khẩu hiệu "mỗi xe là một bệnh xá lưu động, mỗi cáng là một gia đình thân yêu", anh chị em dân công, thanh niên xung phong, lực lượng quân y đi cùng để cấp cứu, chăm sóc kịp thời. Sau chiến dịch, lực lượng quân y của ta còn căng những chiếc dù trên mặt đất, đưa khoảng 1.500 lính Pháp bị thương lên xử lý vết thương. Để mãi không quên những thời khắc lịch sử ấy, ông Tước giữ lại cẩn thận tấm dù và chiếc dây thắt lưng đã lượm nhặt khi phục vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

NGUYỄN THẢO