Miền Bắc nắng nóng mạnh trở lại ngay sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tăng liền 6 độ C
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng trở lại ngay sau ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C. Các chuyên gia dự báo, nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do chịu ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên hôm nay 18/4, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm; mức nhiệt cao nhất chỉ khoảng 30 độ C, trời dịu mát. Riêng một số nơi như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La có nắng nóng cục bộ, mức nhiệt trên 35 độ C.
Tuy nhiên, hình thái mưa mát ở Bắc Bộ sẽ nhanh chóng kết thúc khi từ 19-20/4, vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam.
Cơ quan khí tượng cho biết, ngày 19/4, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng; ngày 20/4 nắng nóng mở rộng ra toàn khu vực phía Đông Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, tăng khoảng 6 độ C so với ngày 18/4; độ ẩm tương đối thấp nhất từ 50-55%.
Đáng lưu ý, khu vực phía Tây Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất 35-40%.
Ngoài ra, Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn tiếp diễn nắng nóng, có nơi gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất từ 45-50%.
Dự báo xa hơn, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ nay đến tháng 6, hiện tượng El Nino vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần, sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%.
Bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ nay đến khoảng tháng 7 có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) (TBNN khoảng từ 2-3 cơn).
Về diễn biến nắng nóng trong thời kỳ từ tháng 5-7, ông Lâm nhận định, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng; tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5.
“Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN cùng thời kỳ”, ông Lâm lưu ý.
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, tình hình khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5 khi nắng nóng giảm và mưa xuất hiện. Riêng Trung Bộ, khô hạn xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4-7/2024.
Mùa mưa tại khu vực Bắc và Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN; tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn hơn, thời kỳ từ tháng 6 gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Ông Lâm đặc biệt lưu ý, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa.
Ngoài ra, tháng 5, nhiệt độ trung bình cao hơn so với TBNN khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn; tháng 6-7, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.
Khả năng xuất hiện 6-7 cơn bão trên Biển Đông từ tháng 8-10
Trong giai đoạn tháng 8-10, TS. Hoàng Phúc Lâm dự báo, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%.
Đây cũng là thời kỳ bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến nước ta gia tăng. Cụ thể, số lượng ở mức xấp xỉ so với TBNN (số lượng bão/ATNĐ TBNN trên Biển Đông khoảng từ 6-7 cơn, TBNN đổ bộ vào Việt Nam khoảng từ 2-3 cơn). Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Ngoài ra, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều hơn so với TBNN ở Bắc và Trung Bộ, trong tháng 8, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 8-10 trên cả nước phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng từ 0,5-1,5 độ C.