Vì sao giá dầu thế giới đứng vững sau cuộc tấn công của Iran vào Israel?
Giá dầu không tăng mạnh sau khi nước sản xuất lớn là Iran tấn công Israel, gây rủi ro xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.
Trong phiên 16/4, các hợp đồng dầu mỏ được giao dịch nhiều nhất tăng nhẹ. Giá dầu Brent tăng 0,1%, lên 90,17 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,3%, lên 85,66 USD/thùng. Trước đó, giá giảm trong phiên 15/4 giảm sau cuộc tấn công vào cuối tuần.
Tác động từ các hành động của Iran đã được các thị trường tính đến, khi những cảnh báo đã được đưa ra trước cuộc tấn công, dù mức độ đáp trả vẫn chưa rõ.
Nhà phân tích Tamas Varga tại PVM Energy nhận định thị trường hạ thấp khả năng leo thang xung đột giữa Iran và Israel. Theo ông, phản ứng của Israel sẽ thận trọng và có kiểm soát, trong khi Iran cũng sẽ không làm tình hình căng thẳng thêm, do muốn tiếp tục xuất khẩu dầu thô.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Iran và hạn chế hoạt động thương mại của nước này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Iran vẫn tiếp tục sản xuất gần 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi nước này được xếp thứ 9 về sản lượng dầu thô trên toàn cầu trong năm ngoái.
Ông Hvalbye cho rằng Israel có thể gây sức ép lên nước đồng minh là Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn lên Iran. Việc thực thi các biện pháp trừng phạt như vậy, đặc biệt là với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, có thể làm giảm nguồn cung dầu 0,5 - 1 triệu thùng/ngày. Dù vậy, sản lượng dầu của Iran vẫn trên mức 1,9 triệu thùng/ngày đạt được vào giữa năm 2020.
Ông Varga dự báo công suất sản xuất dự phòng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ sẽ đủ để giảm thiểu tác động nếu có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào từ phía Iran, với điều kiện nước sản xuất lớn là Saudi Arabia không bị cuốn vào xung đột và eo biển Hormuz, tuyến vận tải dầu trọng yếu, vẫn thông suốt.