Góc nhìn

Nông nghiệp Hải Dương đối mặt với thời tiết cực đoan

HOÀNG LINH 17/04/2024 07:24

Tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh của tỉnh Hải Dương.

img_6744.jpg
Thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng xấu tới cây vải

Đến thời điểm này, nguy cơ giảm năng suất vải thiều của nông dân Thanh Hà, Chí Linh đã hiện hữu khi tỷ lệ ra hoa, đậu quả không cao. Ngoài vải, các loại cây ăn quả chủ lực khác của Hải Dương như nhãn, na, bưởi… cũng bị ảnh hưởng vì thời tiết không ủng hộ.

Thời tiết đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sinh trưởng của cây trồng. Để vải thiều phân hoá mầm hoa thuận lợi, bảo đảm tỷ lệ đậu quả thì trong thời gian ủ mầm phải đủ thời gian nhiệt độ dưới 15 độ C. Thế nhưng vừa qua lại là vụ đông xuân ấm, nền nhiệt cao nên thay vì ra hoa, nhiều cây vải lại trổ lộc.

Trong quý I năm 2024, ngành thuỷ sản là điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh với mức tăng trưởng 7,8%, vượt xa so với trồng trọt, chăn nuôi. Song chỉ sau thời điểm giao mùa, lĩnh vực này đối mặt với không ít khó khăn khi xuất hiện tình trạng cá lồng chết. Năm nào vào thời gian này cũng xảy ra cá chết nhưng năm nay nặng nề hơn. Cơ quan chức năng bước đầu xác minh nguyên nhân cá chết do biến động môi trường khiến oxy hoà tan trong nước thấp. Lý do gây ra biến động vẫn đang được làm rõ. Dù vậy có nguyên do vẫn có thể tự kiểm chứng là giao mùa năm nay bất thường, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cá giảm sức đề kháng trong môi trường nuôi mật độ cao. Thông thường, Hải Dương sẽ đón đợt nắng nóng đầu tiên vào tháng 5 nhưng năm nay mới đầu tháng 4 đã có nắng nóng. Trong khi đó, cuối tháng 3 vẫn xuất hiện các đợt lạnh kéo dài.

Nhắc tới thiên tai, người ta sẽ nghĩ ngay đến những ảnh hưởng có phần to tát của tự nhiên như bão, lũ lụt, mưa đá, hạn hán… Tuy không phải chắc chắn, cố định nhưng thông thường thiên tai thường có quy luật. Vậy nên mới thường có mùa bão lũ, mùa khô, mùa mưa… Còn thời tiết cực đoan là sự bất thường, khắc nghiệt, không theo quy luật, khó dự đoán nên khó phòng ngừa. Trời nắng ngay giữa mùa đông, hè tới nhưng không khí lạnh vẫn hoạt động mạnh. Không những vậy, các loại hình thời tiết còn diễn biến theo hướng tiêu cực, nắng nóng thì sẽ gay gắt, mưa thì sẽ dồn dập, bão lũ có thể cũng mạnh và khắc nghiệt hơn. Không chỉ ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là ngành nông nghiệp, thời tiết cực đoan còn tác động tiêu cực tới đời sống, sức khoẻ con người. Vì vậy, khi thời tiết có yếu tố bất thường, tỷ lệ người dân nhập viện điều trị cũng tăng...

Ngành khí tượng thuỷ văn dự báo thời gian tới các khu vực trong tỉnh tiếp tục đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đặc biệt năm nay nhận định sẽ có nắng nóng đặc biệt gay gắt, mưa lũ cũng diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Hải Dương đã thực hiện không ít giải pháp, nhất là đối với ngành nông nghiệp.

Ngoài giải pháp về công trình khi tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ chống úng, chống hạn, ngành nông nghiệp thường xuyên khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để người dân áp dụng. Tuy vậy, để có thể đối mặt, thích ứng, phòng ngừa thì cần sự chủ động, tích cực của người dân trong việc vận dụng linh hoạt các giải pháp. Hiện nay, ô nhiễm môi trường cũng là tác nhân cộng hưởng với biến đổi khi hậu tác động xấu tới nông nghiệp và cần có nhiều biện pháp khắc phục hơn nữa.

HOÀNG LINH