Đời sống

Những điều hàng xóm tốt thường làm

T.H (theo VnExpress) 16/04/2024 17:10

Để có một cộng đồng chung sống dễ chịu, thoải mái, điều trước tiên bạn phải là một người hàng xóm tốt.

Ảnh minh họa: Istock
Ảnh minh họa

Từ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, các chuyên gia về phép xã giao chia sẻ 8 điều bạn nên làm để trở thành một người hàng xóm lý tưởng.

Chia sẻ thông tin hữu ích

Chuyên gia về nghi thức Diane Gottsman, tác giả cuốn "Nghi thức hiện đại để có một cuộc sống tốt đẹp hơn", người sáng lập trường Giao tiếp Texas (Mỹ) cho biết một trong những cách tốt nhất để chào đón những người hàng xóm mới là đưa cho họ danh sách những điều cần biết khi đến sống ở đây.

Nếu bạn biết một người giúp việc tốt tính, địa chỉ giặt là giá rẻ, nơi bán các món ngon gần nhà hãy chia sẻ với hàng xóm mới thông tin liên hệ của người đó. Bạn cũng nên gợi ý cho họ về cửa hàng tạp hóa, nhà hàng hay hiệu thuốc gần và tốt nhất.

Giữ vỉa hè trước nhà sạch sẽ

Chỉ cần một ngôi nhà xấu xí, luộm thuộm cũng có thể làm giảm giá trị của cả khu phố. Vì vậy, Lizzie Post, đồng chủ tịch của Emily Post Institute, một doanh nghiệp đào tạo nghi thức xã giao ở Mỹ, khuyên nếu không muốn trở thành chủ nhân của ngôi nhà như vậy, hãy vệ sinh chúng hàng ngày.

Đừng để trước nhà cỏ mọc um tùm, cửa sổ bẩn, sơn bong tróc hay vương vãi rác. "Dọn dẹp trước nhà càng nhiều càng tốt", Lizzie Post nói.

Có trách nhiệm với thú cưng của mình

Nhà tư vấn nghi thức Lisa Mirza Grotts (San Francisco, Mỹ) cho biết thú cưng có thể là nguyên nhân gây tranh cãi lớn giữa những người hàng xóm. Vì vậy, bạn cần cho chúng đi vệ sinh đúng chỗ, dọn dẹp và không để thú cưng chạy nhảy lung tung làm ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.

Khi dắt chó đi dạo, Lisa khuyên không bỏ túi đựng phân của nó vào thùng rác nhà người khác. "Nghe thì thấy đơn giản nhưng rất nhiều người mắc lỗi này", Lisa nói.

Chủ trì các hoạt động

Bạn nên dự các bữa tiệc chung của xóm, nấu ăn cùng nhau và tham gia nhiều sự kiện khác để hòa nhập và xây dựng tình hàng xóm.

Và để gắn kết hơn nữa với mọi người, Elaine Swann, người sáng lập trường giao thức Swann (California, Mỹ) khuyên nên đứng ra tổ chức hoạt động để hàng xóm cùng nhau tham gia, chẳng hạn trang trí sân chơi cho khu phố trong dịp Trung thu hay Tết...

Mời hàng xóm đến nhà

Một cách để xây dựng mối quan hệ là mời hàng xóm đến dự tiệc thay vì chỉ mời bạn bè. Tuy nhiên, hãy cho mọi người biết bạn không nhận quà.

Khi đã thiết lập được mối quan hệ, bạn có thể thành lập câu lạc bộ sách ở khu phố hoặc trận bóng hàng tuần để làm sâu sắc thêm tình xóm giềng.

Không buôn chuyện

Để trở thành người hàng xóm tốt thì nên tránh buôn chuyện. Tuy nhiên, cần phân biệt tin đồn tốt và tin đồ xấu.

Theo Post, nếu mẹ một hàng xóm qua đời, việc thông báo tin đó cho những gia đình xung quanh để dự đám tang là việc nên làm. Thế nhưng nếu biết nhà bên cạnh cãi vã hay thất nghiệp thì đừng đi kể với người khác.

Tuân thủ quy tắc cộng đồng

Khi sống ở một khu chung cư, khu tập thể, bạn phải tuân thủ quy tắc cộng đồng. Đó có thể là những quy tắc giới hạn chỗ đỗ xe, lịch đổ rác, yêu cầu cảnh quan, thủ tục chuyển nhà, sửa nhà...

Nếu nhà bạn tổ chức tiệc hoặc có sự kiện đông người tham gia thì nên để ý đến mức độ gây ồn. Nhà bạn có thể sôi nổi hơn bình thường một chút trong những sự kiện quan trọng, nhưng cần trong thời gian cho phép và mức độ vừa phải để tránh gây phiền cho hàng xóm.

Có khách đến nhà, bạn cũng cần lưu ý đến chỗ đỗ xe của họ, đừng chiếm dụng vỉa hè nhà khác nếu chưa được phép.

Xử lý xung đột một cách khôn ngoan

Dù thân thiện đến cỡ nào bạn cũng có thể có những bất đồng hoặc tranh cãi với hàng xóm. Xử lý xung đột khéo léo rất quan trọng.

Nếu có vấn đề với hàng xóm, hãy cố gắng giải quyết vấn đề với người đó trực tiếp.

Giả sử con chó hàng xóm phóng uế trước cửa nhà bạn. Hãy bắt đầu chủ đề bằng một lời khen, sau đó đề nghị cùng nhau tìm giải pháp: "Con Mực là con chó rất khôn. Nhưng tôi thấy nó rất hay tè bậy trước cửa nhà tôi".

Nếu không thể giải quyết vấn đề trực tiếp, hãy báo với trưởng khu, trưởng tầng để can thiệp.

T.H (theo VnExpress)