Phụ nữ Trung Quốc muốn con theo họ mẹ
Xiangjia, 27 tuổi không thực sự mong con trai mang họ mình, nhưng mẹ cô muốn vậy để có người nối dõi.
Trước khi kết hôn ba năm trước, cả gia đình Xiangjia và chồng đều đồng ý cho đứa con đầu lòng của cô mang họ mẹ, bất kể giới tính.
Vì vậy, ngay khi con trai chào đời, cô lấy họ mình đặt cho đứa trẻ để làm giấy khai sinh. Nhưng từ đó, mối quan hệ của Xiangjia và người chồng 34 tuổi trở nên căng thẳng. "Khi nào em mới đổi họ cho con trai chúng ta'', anh chồng lặp lại câu hỏi nhiều lần trong các cuộc tranh cãi.
Xiangjia cãi lại, nói sử dụng họ của ai không phải quy định vì con là của chung. Nhưng anh chồng rất khó chịu mỗi khi nghe bác sĩ gọi họ tên con trai mình. "Mỗi lần như vậy như bóp nát trái tim tôi'', anh nói.
Khi căng thẳng gia tăng, người vợ đề nghị ly hôn và giành quyền nuôi con. Anh chồng trả lời: ''Nhà, xe, con trai đều là của anh, em đừng đụng vào''.
Trong thời gian Xiangjia phải vào bệnh viện phẫu thuật, mẹ chồng đã đổi họ của con trai cô. Từ đó, chồng Xiangjia gọi cậu bé bằng tên mới. ''Chồng tôi và tôi đều không muốn nói về chuyện đó nữa. Tôi thực sự mệt mỏi'', người vợ nói.
Câu chuyện của Xiangjia chia sẻ trên mạng xã hội gần đây, thu hút 44 triệu lượt xem và gần 9.000 bình luận. Trong đó, nhiều người ủng hộ việc đứa trẻ lấy họ mẹ.
Theo báo cáo thường niên về tên của Bộ Công an nước này, có 7,7% trẻ sơ sinh năm 2020 mang họ mẹ. Ở một số thành phố lớn như Thượng Hải, tỷ lệ này là 8,8%. Nhiều nhận định cho rằng trẻ em Trung Quốc mang họ mẹ gia tăng do phụ nữ độc lập và có địa vị xã hội cao hơn.
Tháng 5/2023, một người phụ nữ ở miền đông Trung Quốc nói với bạn trai sẽ trả phần lớn chi phí đám cưới với điều kiện họ sẽ sinh hai đứa con, một trong số đó phải mang họ của cô.
Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học Trung Quốc, đây không chỉ là biểu hiện của bình đẳng và tiến bộ xã hội mà giống như mẹ Xiangjia, nhiều gia đình đang khát khao có người nối dõi.
Giải thích điều này, nhà xã hội học Fei Xiaotong trích dẫn câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử ''ba tội bất hiếu, không con nối dõi là tội bất hiếu lớn nhất'' để cho thấy các gia đình Trung Quốc coi trọng có người nối dõi thế nào.
Trong khi đó, chính sách một con của Trung Quốc trong quá khứ khiến cơ hội có con trai của nhiều gia đình bị chặt đứt. Vì vậy, phụ nữ muốn con lấy họ mẹ chỉ vì cố gắng duy trì sự nối dõi bằng con gái.
Một nhóm nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu khảo sát mẫu dân số quốc gia 1%, mang tính đại diện để chứng minh điều đó. Kết quả cho thấy trẻ theo họ mẹ phổ biến ở các địa phương thuộc khu vực phía đông Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô - nơi những gia đình người mẹ có trình độ học vấn thấp hơn cha.
Trẻ mang họ mẹ cũng xuất hiện nhiều hơn ở các gia đình mà người chồng có địa vị kinh tế thấp hơn, đặc biệt nếu vợ không có anh em trai, còn người chồng lại có.