Việc tử tế

Bi kịch của người phụ nữ đơn thân "không dám mặc nhiều quần áo"

TIẾN HUY 15/04/2024 09:21

Không dám mặc nhiều quần áo là câu chuyện khó tin nhưng có thật của bà Nguyễn Thị Nhờ ở thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng, Hải Dương).

z5346122195047_de202a48edec876323dd9d055ba5e203-1-.jpg
Bà Nhờ (bên phải) bị mất khả năng lao động

Trước Tết Nguyên đán 2024, tôi đã một lần đến thăm và tặng bà Nhờ chút quà Tết. Khi đó, trời rét cắt da, cắt thịt. Mưa phùn, những cơn gió mùa đông thổi thông thốc vào căn nhà trống hoác quay ra hướng Bắc. Trên chiếc giường không có nệm, bà Nhờ ăn mặc phong phanh run cầm cập, co ro trong chiếc chăn bông ẩm mốc.

- Sao bà không mặc nhiều quần áo cho đỡ lạnh?

- Mặc nhiều thì phải giặt nhiều. Mà giặt nhiều thì nó chửi!

Vừa rồi, một lần nữa tôi đến thăm bà Nhờ. Vẫn căn nhà trống hoác ấy. Bà Nhờ mồ hôi ướt đầm đìa, phía trên là một chiếc quạt trần nhỏ bằng nhựa, loại ở các hàng bán thịt thường dùng để đuổi ruồi. Tôi lại hỏi:

- Sao bà không thay quần áo ra cho mát?

- Thay nhiều thì phải giặt nhiều. Mà giặt nhiều thì nó chửi!

"Nó" trong câu nói của bà Nhờ là cô con gái Hoàng Thị Nhung. Chị Nhung sinh năm 2000, dù khỏe mạnh, nhưng hoàn cảnh của chị cũng đáng thương như người mẹ của mình. Chị Nhung từng được đi học song không biết chữ. Chị có tâm thần kinh không bình thường, bị khuyết tật nặng. Những lúc tỉnh táo, chị Nhung có thể nấu ăn, giặt giũ, nhưng lúc bất ổn, chị giằng xé, gằn hắt, xỉ vả nặng lời, mà nạn nhân lại chính là người mẹ của mình. Mỗi lần chị Nhung cầm tiền đi chợ, bà Nhờ phải ghi ra giấy, vì chị không biết mệnh giá tiền, nói trước quên sau. Đến phơi quần áo, nhà có móc sắt nhưng chị cũng không biết treo. Vậy là quần áo tiện đâu vứt đấy, cái lủng lẳng trên thành bể, cái móc ở bờ rào.

img_4309-2(1).jpg
Con bò được hỗ trợ là tài sản lớn nhất của mẹ con bà Nhờ nhưng cũng bữa đói, bữa no do chị Nhung (con bà nhờ) ít chăm sóc vì bị khuyết tật nặng, thần kinh không bình thường

Bà Nhờ sinh năm 1964, đã từng có một người chồng ở xã Cẩm Văn cùng huyện Cẩm Giàng. Nhưng 2 vợ chồng ly dị từ lâu và người chồng đã mất. Nhà chồng cũng không qua lại, mặc cho mẹ con bà Nhờ sống nhờ tình làng, nghĩa xóm và nhờ sự quan tâm của chính quyền. Bệnh tật khiến bà Nhờ gần như không thể tự đi lại. Trước đây bà mượn được chiếc xe lăn loanh quanh trong nhà, nhưng đã bị đòi lại. Vì thế, cuộc sống của bà hầu hết chỉ gắn chặt với chiếc giường. Hoàn toàn mất khả năng lao động, cuộc sống của mẹ con bà Nhờ chỉ trông vào trợ cấp hằng tháng.

Năm nay tròn 60 tuổi, song lần đi xa nhất của bà Nhờ là từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Trong giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng gửi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có ghi: Bệnh nhân bị bệnh nhiều tháng nay, tê bì chân tay, vận động, đi lại khó khăn, người mệt; yếu 2 chi dưới. Chẩn đoán bệnh rễ dây thần kinh tủy sống/thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng...

Bà Nhờ chỉ mong có đủ tiền làm phẫu thuật để phục hồi khả năng lao động, vì hiện nay mẹ con bà chỉ sống lay lắt bằng sự hỗ trợ của xóm làng và sự quan tâm của xã. Nhưng không thể sống như thế mãi được. Bà cần phải đứng dậy để làm lụng và chăm sóc con gái. Bà còn lo sợ, với nhận thức như một đứa trẻ lên 5 tuổi của chị Nhung, con gái bà hoàn toàn có thể bị lạm dụng bất cứ lúc nào.

"Mong là thế, nhưng tôi nghe phẫu thuật mất cả trăm triệu đồng thì bất lực. Mẹ con tằn tiện đủ rau cháo hằng ngày là may lắm rồi. Còn tiền phẫu thuật thì không lấy đâu ra", bà Nhờ khóc.

Theo ông Lê Quý Hậu, Công chức Văn hóa - Xã hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạch Lỗi, cuộc sống của bà Nhờ đúng là bi kịch, khi không chỉ bị bệnh tật dày vò mà còn là nỗi lo thường trực về người con gái không bình thường. Từ ngôi nhà, căn bếp đến con bò của mẹ con bà Nhờ đang có đều do địa phương và các ban, ngành hỗ trợ. Thế nhưng dù lãnh đạo xã, bà con thôn xóm rất quan tâm nhưng cũng chỉ đỡ đần được phần nào.

"Số tiền phẫu thuật để hy vọng bà Nhờ có thể phục hồi khả năng lao động là quá tầm của địa phương nên qua Báo Hải Dương, xã rất mong có sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, các nhà hảo tâm. Một miếng khi đói, một gói khi no là điều mẹ con bà Nhờ đang rất cần vào lúc này", ông Hậu nói.

Bà Nguyễn Thị Nhờ đã được lập một tài khoản để nhận tiền trợ cấp hằng tháng tại Agribank, số tài khoản: 2306231053141. Các tổ chức, cá nhân quan tâm giúp đỡ mẹ con bà Nhờ cũng có thể liên hệ qua tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Huy, số điện thoại 092.222.6444.

TIẾN HUY