Nhà máy bối rối xếp lịch nghỉ lễ dài ngày
Nhà máy sản xuất và doanh nghiệp du lịch hưởng lợi từ những dịp lễ, Tết kéo dài bối rối trước khi kỳ nghỉ 5 ngày đợt 30/4 vừa được thông qua.
Theo lịch sản xuất được lên từ đầu tháng, Công ty V.S Vina, hoạt động trong ngành điện tử ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP Hồ Chí Minh), nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tức ngày 18/4, cuối tháng có hai ngày liền kề 30/4 và 1/5. Cùng với thời gian này, nhà máy sắp xếp tăng ca bù để bù thời gian trống nhằm bảo đảm đơn hàng cần hoàn thành.
Tuy nhiên, khi lịch nghỉ lễ mới kéo dài 5 ngày từ 27/4 đến hết 1/5 được thông qua hôm 12/4, nhà máy phải tính lại kế hoạch sản xuất. "Chỉ còn 14 ngày nữa là đến kỳ nghỉ, quá ngắn để tìm được phương án vẹn toàn", bà Nguyễn Bích Ngân, Trưởng phòng nhân sự, nói.
Theo bà Ngân, doanh nghiệp 100% FDI, thuộc nhóm ngoài nhà nước nên không bắt buộc tuân thủ mà chỉ khuyến khích thực hiện. Về lý thuyết nhà máy không cần thay đổi kế hoạch sản xuất nhưng khi các thông tin về kỳ lễ dài này được công bố người lao động có tâm lý muốn hoặc mặc định sẽ được nghỉ.
Doanh nghiệp sản xuất làm việc cả thứ 7 nên khi cho nghỉ liên tục 5 ngày sẽ có hai ngày cần phải bù là thứ 7 (27/4) và thứ hai (29/4). Nếu hai ngày này được bù vào chủ nhật kế tiếp, người lao động sẽ phải làm việc liên tục, không đảm bảo được sức khỏe. Trường hợp nhà máy giữ nguyên lịch nghỉ như cũ, tức chỉ hai ngày 30/4 và 1/5, lao động sẽ hụt hẫng. Sau khi thống nhất với công đoàn, công ty quyết định tạo điều kiện cho các trường hợp muốn nghỉ được sử dụng ngày phép.
"Lúc này nhà máy đang lo lao động nghỉ nhiều", bà Ngân nói. Công ty đang cố gắng thuyết phục, giải thích tình hình nhà máy cần hoàn thành đơn hàng để nhân viên đồng hành. Nếu công nhân trực tiếp nghỉ nhiều, công ty sẽ thêm giờ tăng ca. Một lo lắng khác là nhiều người nghỉ dài sẽ ì ạch, lâu bắt nhịp vào công việc tương tự kỳ nghỉ Tết.
Theo bà Ngân, nghỉ lễ kéo dài nhưng quyết định đến quá cận ngày sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất. "Ngày 2/9 thêm một ngày nhưng không chốt được trước sau đã làm nhức đầu doanh nghiệp mỗi khi lên kế hoạch năm", nữ trưởng phòng nói. Cuối năm, các nhà máy sản xuất ở Việt Nam sẽ làm kế hoạch sản xuất, kèm thời gian nghỉ cho năm tới gửi về công ty mẹ. Tập đoàn sẽ gửi lịch đến khách hàng để đối tác có kế hoạch đến làm việc, tham quan nhà máy. Họ cần thời gian xin visa, dự trù ngân sách...
"Nếu nhà máy thay đổi kế hoạch quá cận ngày hoặc khách hàng đến Việt Nam trùng đợt nghỉ lễ sẽ không thuận lợi trong công việc", bà Ngân nói. Do đó, đại diện nhà đầu tư đến từ Mỹ đề xuất lịch nghỉ lễ cần được thống nhất sớm để các doanh nghiệp, nhân viên chủ động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh, nói rằng dù lịch nghỉ chỉ khuyến khích doanh nghiệp thực hiện nhưng cũng tạo ra những bối rối nhất định. "Tháng 4 còn có thêm ngày nghỉ giỗ tổ, tức thời gian sản xuất đã ít nên khi thêm ngày nghỉ thì phải tính", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, các nhà máy xuất khẩu đã chốt thời gian xuất hàng, kế hoạch tăng ca sẽ gặp khó khăn hơn nếu cho nghỉ đủ 5 ngày. Do đó, phương án chính vẫn là tổ chức sản xuất như cũ, vận động công nhân đồng hành, thấu hiểu tiếp tục làm việc. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ sẽ hỗ trợ thêm chi phí làm ngày nghỉ hoặc thêm mỗi ngày làm việc 200.000 đồng để lao động an tâm.
Lãnh đạo Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh cho rằng điều đáng ngại là công nhân vẫn muốn nghỉ theo lịch. Trường hợp này các công ty bố trí nghỉ phép và sắp xếp tăng ca để đảm bảo tiến độ. Để tránh những tình huống cập rập như hiện tại, cơ quan quản lý nên có kế hoạch các kỳ nghỉ lễ ngay từ đầu năm.
Đợt nghỉ lễ dài 5 ngày cũng làm doanh nghiệp du lịch bối rối dù được hưởng lợi. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho rằng quyết định nghỉ được đưa ra khi chỉ còn nửa tháng đến kỳ nghỉ sẽ giảm bớt các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp do khó bố trí, xây dựng nhiều dịch vụ để phục vụ khách tốt nhất.
"Nếu quyết định số ngày nghỉ sớm, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, giờ đây quá cập rập và không nhiều ngày để chốt khách", ông Mẫn nói. Từ thực tế kinh doanh, đại diện TST Tourist kiến nghị nên có kế hoạch nghỉ lễ từ đầu năm giúp người dân và doanh nghiệp sản xuất chủ động sắp xếp kỳ nghỉ cho nhân viên. Doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, điểm tham quan cũng chuẩn bị chu đáo hơn về dịch vụ, chất lượng dịch vụ đảm bảo, kiểm soát tốt về giá phục vụ khách.
Trong khi đó, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn dự thảo các kỳ nghỉ lễ để lấy ý kiến bộ, ngành và xin ý kiến Thủ tướng, cho rằng số ngày nghỉ quy định trong luật thì đương nhiên thực hiện. Với những dịp có thể hoán đổi để có thêm ngày nghỉ liền kề, cơ quan này chủ động đề xuất để người dân có thời gian lo được công việc cá nhân.
"Đặc biệt, việc hoán đổi để có kỳ nghỉ dài phải phục thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội từng thời điểm", ông Thắng nói. Đơn cử năm nay, kéo dài kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 với mục tiêu kích cầu du lịch, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân cả nước đi chơi, nghỉ ngơi. Nếu thống nhất thời gian nghỉ lễ ngay từ đầu thì chỉ có thể thực hiện theo luật, không cần đề xuất, lấy ý kiến. Việc hoán đổi chủ yếu áp dụng cho khối nhà nước, doanh nghiệp chỉ khuyến khích thực hiện.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng bất kỳ sự thay đổi nào của chính sách cũng tác động thậm chí xáo trộn đến người dân, doanh nghiệp. Về lý thuyết kỳ nghỉ lễ chỉ áp dụng cho khối nhà nước nhưng thực tế các doanh nghiệp lớn, đông lao động sẽ luôn phải cân nhắc, tuân thủ, sắp xếp để lao động được nghỉ cùng. Trong khi kỳ nghỉ được quyết định quá cận ngày, doanh nghiệp khó sắp xếp sản xuất.
Chuyên gia ví dụ nếu một gia đình có chồng làm công chức nhà nước được nghỉ, vợ làm doanh nghiệp phải đi làm sẽ khó sắp xếp để có kỳ nghỉ dài ngày. Do đó, mục tiêu giúp người dân được nghỉ ngơi không đạt được. Trong phạm vi doanh nghiệp, nếu vì lý do sản xuất chủ công ty không thể sắp xếp nghỉ 5 ngày nhưng người lao động, công đoàn muốn nghỉ sẽ dẫn đến căng thẳng. "Điều này không cần thiết", TS Bình nói.
Theo ông Bình đối với nhóm doanh nghiệp có vẻ được thụ hưởng trong việc kéo dài kỳ nghỉ lễ này là khối thương mại, dịch vụ lữ hành, vận tải. Với thời gian báo trước quá ngắn các đơn vị này có kịp chuẩn bị để tăng được doanh thu, đạt được mục tiêu phát triển kinh kế hay không cũng cần được đánh giá.
"Chính sách phải có sự tiên liệu từ xa, từ sớm. Do đó, các kỳ nghỉ lễ phải được lên kế hoạch từ đầu năm, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào phải đánh giá tác động", TS Bình nói. Theo chuyên gia, năm nay Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội lấy lý do kích cầu du lịch, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân cả nước đi chơi, nghỉ ngơi. Như vậy, sau kỳ nghỉ cơ quan đề xuất cần đánh giá hiệu quả, mục tiêu đạt được qua các chỉ số cụ thể để xem xét có nên tiếp tục hoán đổi vào các kỳ nghỉ tiếp theo hay không.
"Điều hành theo hình thức linh hoạt là cần thiết, song việc đó ảnh hưởng hàng triệu lao động, trăm nghìn doanh nghiệp thì phải thận trọng", TS Bình nói. Theo chuyên gia pháp luật đã quy định ngày nghỉ cụ thể nhưng mỗi năm một thay đổi khiến doanh nghiệp khó đoán định. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi hoán đổi hay kéo dài các kỳ nghỉ.