Cơn sốt "đổ thạch" online, dân làm ngọc nói thẳng "chiêu trò lừa đảo"
"Đổ thạch" là trò chơi đang gây sốt trên mạng xã hội, đặc biệt là trên TikTok. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để "cược" vào những viên đá tù mù với niềm tin "nổ" ra các loại đá quý có giá trị để thu lợi nhuận.
"Đổ thạch" được hiểu là việc bóc tách, xử lý các viên đá thô được bao quanh bởi lớp sa kết (lớp khoáng vật bám bên ngoài viên đá quý) để có được những tinh thể đá quý thành phẩm.
Không tránh khỏi việc sử dụng chiêu trò, những viên đá đập ra không có gì nhưng người đập nhanh tay bỏ đá quý vào và cho cò mồi vờ như trúng lớn để kích thích người chơi. Tuy nhiên, khi có người chơi thật thì cầm chắc thua.
Anh P.Đ.
Tối ngày sáng đêm "chung độ" tìm đá quý
Khoảng một năm gần đây, "đổ thạch" bỗng trở thành xu hướng gây sốt trên mạng xã hội, kéo theo các "sàn" livestream đập đá trên TikTok mọc lên như nấm sau mưa.
Anh Nguyễn Thanh (đã được đổi tên), chủ cửa hàng kinh doanh đá quý tại huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), cho biết: "Trò đổ thạch này xuất phát từ một vài cá nhân ở TP Yên Bái, sau đó vì nhu cầu tìm đá để livestream đổ thạch nên trào lưu này lan ngược về Lục Yên, hiện tại đã phổ biến khắp cả nước".
Cả ngày lẫn đêm, hàng trăm tài khoản TikTok đua nhau livestream rao bán nhiều loại đá có hình thù, kích cỡ và màu sắc khác nhau, giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng mỗi viên. Người bán khẳng định đó là đá quý thô.
Trưa 9/4, chúng tôi thử tham gia một phiên livestream "đổ thạch". Một viên đá sáng màu bằng nắm tay, trọng lượng hơn 600gram đang được rao bán với giá 3M (3 triệu đồng).
Trên livestream, người bán mân mê viên đá: "Viên này giá thị trường phải cỡ từ 8M (8 triệu đồng - PV) trở lên, nhưng em trai chỉ để các bác 3M. Hiện đã có cổ phần 30%, còn lại 70% nữa, các bác vào chiến đi ạ!".
Như trò chơi may rủi, người chơi bỏ tiền để "cược" vào những viên đá trên "sàn". Nếu may mắn "nổ" ra đá quý sẽ được người bán mua lại với giá cao, từ đó người chơi thu lợi nhuận. Ngoài hình thức mua cá nhân thì những người chơi có thể "chung độ", góp "cổ phần" để cùng nhau "mở bát" mua chung.
Lúc bấy giờ, TikTok H.V. cho biết đã chuyển 30% giá viên đá, động viên người xem "theo" mình để nhanh chóng "búa" (quá trình đập, cắt và tìm đá quý). Tuy nhiên, hơn một tiếng trôi qua vẫn chưa có ai "cùng chí hướng", người này có vẻ nôn nóng: "Trong khi chờ viên này, lấy cho anh viên 1,5M (1,5 triệu đồng)".
Ngay lập tức người bán lấy ra một viên đá theo yêu cầu, bắt đầu "búa" và reo lên "Đây rồi!". Trong sự ngỡ ngàng của nhiều người xem, một viên đá màu hồng được cho là đá quý spinel xuất hiện, trọng lượng 2.6 carat và được người bán thu lại với giá 6M (6 triệu đồng).
TikTok H.V. thông báo đã nhận được tiền lời 4,5 triệu đồng và tiếp tục động viên người xem tham gia chơi cùng mình. Tuy nhiên, chờ thêm 30 phút nữa vẫn chưa có ai "chung độ" nên sàn Đá Quý G.B. đã lặng lẽ tắt livestream.
Tối cùng ngày, kênh TikTok khác là G. Đá Quý đang "mở bát" viên đá có giá 22M (22 triệu đồng). Trên sóng livestream, các tinh thể được cho là đá quý đã phân loại ra các đĩa riêng biệt tùy theo độ lành và sạch.
Người này nói: "Hàng lỗi em thu 800.000 đồng/carat, còn hàng lành sạch là tùy. Nếu viên nào dưới 5 carat thì 1,2 triệu đồng/carat, từ 5-10 carat thì 1,5 triệu đồng/carat, trên 10 carat thì 2 triệu đồng/carat các bác ạ!".
Quá trình cân hàng, người này tính sương sương hàng lỗi là 106 carat, tương đương hơn 80 triệu đồng. Cộng thêm hàng lành, sạch hơn 240 triệu đồng. Vị chi là hơn 320 triệu đồng.
Nhiều người xem thấy mở đầu livestream đã ra "hàng khủng" càng có động lực để "cược" vào những viên đá có giá 2,5M, 8M, 9M, 15M, 20M... đang xếp hàng trên màn hình.
Tuy nhiên, tất cả những viên đá trên khi được đập ra đều không tìm thấy bất kỳ tinh thể đá quý nào bên trong và được "hóa cát" (đập nát vụn để hủy) ngay trên sóng.
Người bán vội trấn an: "Trọng lượng những viên thô này rất lớn nên bên trong chưa hóa được ngọc, những viên này ra đá mà ít lắm anh em ạ, nẹp nhiều mà rạn nhiều, hoan hỉ thôi ạ!".
Đồng hồ đã điểm sang 1 giờ sáng, nhưng các phiên livestream đập đá vẫn diễn ra sôi nổi và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Càng về khuya số người tham gia chơi càng đông, những viên đá được mang ra bán có giá càng "khủng", cao nhất lên đến 60-80 triệu đồng.
Nhiều biến tướng, ảnh hưởng xấu đến danh tiếng "vùng đất ngọc"
Anh Trần Văn Khanh (46 tuổi, đã được đổi tên), một thợ đá quý lành nghề tại huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), cho biết: "Đổ thạch có thể được xem là một nét văn hóa lâu đời hình thành trong giới làm đá, bản chất của việc làm này là giao lưu kinh nghiệm giữa những người thợ, chia sẻ rủi ro và lợi nhuận khi chặt một viên đá chứ không phải câu chuyện may rủi, đỏ đen như trên TikTok".
Cũng theo anh Khanh, những loại đá dùng để đổ thạch sau khi được khai thác từ các quặng thường được bao bọc bởi lớp sa kết rất dày, người thợ phải tỉ mẩn chặt ra để tìm những tinh thể đá quý có độ tinh khiết cao.
Anh giải thích: "Không ai soi được 100% khả năng lành, sạch của một viên đá quý thô, khi dùng đèn để soi chất đá bên trong phải dựa trên nhiều yếu tố như độ hút đèn, cảm quan về màu sắc, chất rạn nứt, cái thớ, nẹp như thế nào. Vậy nên nếu chỉ nhìn qua màn hình livestream thì làm sao đánh giá được?".
Anh Minh Luân (đã được đổi tên), chủ một cửa hàng đá quý khác tại huyện Lục Yên, cũng cho biết: "Những viên đá có giá trị cao bên mình tự búa để lấy hàng thành phẩm chứ không đưa lên livestream bán. Đá dùng để đổ thạch online thường là spinel. Đá này không hiếm, giá chỉ khoảng 200.000 đồng/kg hoặc từ 1-3 triệu đồng/viên".
Tại thủ phủ đá quý Lục Yên, cộng đồng những người làm đá đồng loạt lên tiếng, bức xúc trước tình trạng "đổ thạch" đang bị biến tướng theo chiều hướng phức tạp. Theo đó, nhiều "sàn" sử dụng đủ mánh khóe để "câu mồi", dẫn dụ người chơi.
Từng thua lỗ khi chơi trò "đổ thạch" online, anh P.Đ. (40 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngẫm ra: "Đợt đó tôi chơi dăm bảy sàn, mất cũng gần chục triệu rồi mới ngợ ra mình bị lừa. Lúc xem livestream thì họ nổ ra đá quý liên tục, tới lượt mình thì không được một viên nào. Cái loại hình này không những cờ bạc mà là lừa đảo luôn rồi còn gì...".
Dẫu vậy, ngày càng nhiều người bị thu hút vào trò chơi này, không ít người đã trở thành con nghiện "đổ thạch" khi càng lãi thì càng ham mà càng thua thì lại càng muốn lao đầu vào để gỡ.
Cũng theo phản ánh, nhiều "shop" trên mạng còn ngang nhiên mang đá suối, đá xỉ (đá không có giá trị cao) lên livestream để bán với giá trên trời. Nhiều viên đá khi mua chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng lên livestream được hô hào tận vài chục triệu đồng, kêu gọi "cổ phần". Trường hợp này khách chỉ cần vào 10 - 20% thì người bán đã có lãi.
Nhiều người trong nghề đá quý nói việc "đổ thạch" hiện nay đã biến tướng thành một trò may rủi, có tính chất "đỏ đen", gây ảnh hưởng xấu đến nét đẹp văn hóa truyền thống và danh tiếng của vùng đất ngọc Lục Yên.
Có tính chất đánh bạc?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết tội phạm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội ngày càng sáng tạo với nhiều hình thức, chiêu trò độc lạ.
Đa số tội phạm đánh vào lòng tham và tâm lý "cầu may" của mỗi người nhằm dẫn dắt họ theo những kịch bản, trò chơi đã vạch sẵn với mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tiền của những người tham gia.
Đối với hoạt động livestream đổ thạch online, trường hợp người bán biết rõ bên trong những viên đá thô không có đá quý nhưng vẫn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, có hành vi gian lận, dùng thủ đoạn gian dối để bán những viên đá giả, đá không có giá trị với giá cao thu về tiền thật thì hành vi này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng theo luật sư Nhật, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù nhẹ nhất là 6 tháng và cao nhất là tù chung thân (căn cứ theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
"Hiện nay chưa xuất hiện người tham gia trò chơi đổ thạch online lên tiếng về chiêu trò này dẫn đến hậu quả gì, cũng chưa có văn bản luật nào phản ánh các quy định về việc livestream đổ thạch trên nền tảng TikTok nên để nói hoạt động này có được xem là một hình thức đánh bạc hay không cần phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét và làm rõ", ông Nhật nói thêm.