Đặc sắc tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật thời Hùng Vương ở Hải Dương
Hải Dương còn lưu giữ khoảng 100 di tích đình, đền, chùa, miếu... thờ hoặc kết hợp thờ các nhân vật thời Hùng Vương. Mỗi di tích mang quy mô, kiến trúc, sử tích khác nhau nhưng đều giàu giá trị lịch sử, văn hoá, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đặc sắc.
Đậm nét văn hoá truyền thống
Di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương tại Hải Dương có mặt ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh có 2 ngôi đình thờ Vua Hùng là đình An Khoái ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) và Lễ Quán ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương, thờ An Dương Vương - vị vua lập nên nước Âu Lạc, tiếp nối nhà nước Văn Lang). Các di tích còn lại thờ hoặc phối thờ nhiều nhân vật thời Hùng Vương như: Tản Viên Sơn Thánh (tục gọi là Sơn Tinh), Cao Sơn Đại Vương, công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18), Bảo Phúc Đại Vương...
Gắn liền với mỗi di tích là tín ngưỡng thờ cúng đặc sắc, mang đậm nét văn hoá cổ truyền được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Các di tích thờ cúng các nhân vật thời Hùng Vương đều được các địa phương quan tâm cử người trông nom, cai quản, duy trì hương khói vào mùng 1, ngày rằm hằng tháng, các lễ tiết quan trọng trong năm.
Sự đặc sắc của tín ngưỡng trên được thể hiện rõ nét hơn cả vào dịp lễ hội truyền thống hằng năm tại các di tích. Các nghi lễ truyền thống như tế lễ, rước nước, rước kiệu vua Hùng, rước kiệu thánh... được tổ chức trang trọng trong không gian sôi động, linh thiêng.
Trong không gian một làng, hiếm có nơi nào như thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) có tới 3 ngôi đình cùng thờ Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương - một danh tướng có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục. Đó là đình Thượng Lang ở xóm Độc Lập, đình Quỳnh Gôi ở xóm Tiền Tiến và đình Ngọc Lâm ở xóm Việt Thắng.
Cụ Phạm Đức Ta (80 tuổi), Trưởng ban khánh tiết đình Ngọc Lâm cho biết dù 3 di tích có tên gọi khác nhau, các kỳ đình đám diễn ra khác ngày nhưng phong tục, tín ngưỡng thờ cúng là giống nhau. Vào ngày đình đám của xóm này, nhân dân các xóm còn lại đều góp mặt. Bà con tổ chức dâng hương, dâng hoa, vật phẩm, tế lễ rất sôi động. Đặc biệt, đoàn rước thường lên đến hàng nghìn người với các đội kỳ lân, cờ, lễ vật, hương án, long đình, chấp kích, kiệu thánh, đại biểu và nhân dân sẽ rước Đức Thánh đi khắp làng. Không gian lễ hội tưng bừng, đậm sắc màu truyền thống.
Huyện Thanh Miện là một trong những địa phương có nhiều di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng và các nhân vật cùng thời ở những di tích này cũng rất đặc sắc. Dịp Giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch, Ban Quản lý di tích đình Khoai, nhân dân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội đình Khoai diễn ra từ ngày 20-23/3 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức dâng hương, tế lễ và rước kiệu quanh làng. Hầu hết các gia đình đều bày biện, dâng mâm lễ vật trước cửa nhà, nơi đoàn rước kiệu đi qua.
Trong ngày chính hội truyền thống đình Thủ Pháp thờ Tản Viên Sơn Thánh, người dân sinh sống hai bên đường bày biện lễ vật, dâng hương để tưởng nhớ công đức của ngài. Đặc biệt, người dân nơi đây còn giữ gìn tín ngưỡng chui qua gầm kiệu với ước nguyện được Đức Thánh chở che. Tín ngưỡng này được gìn giữ từ bao đời nay, trở thành nét đẹp tâm linh đặc sắc, không nhiều nơi có.
Giữa chốn thị thành sôi động, tín ngưỡng thờ cúng tại đền Bảo Sài thờ công chúa Tiên Dung nằm trong cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) vẫn được gìn giữ theo phong tục cổ truyền. Với người dân địa phương, đặc biệt là dòng họ Chử, công chúa Tiên Dung được coi là "Tổ mẫu quốc chủ của Thành Đông" có công khai hoang, lập ấp, giúp dân. Vào dịp lễ hội truyền thống hằng năm, dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của công chúa, nhân dân đều sắm sửa lễ vật, thành kính dâng hương tưởng niệm công ơn...
Dòng chảy cội nguồn
Năm tháng trôi qua, dù những kỳ lễ hội có nhiều giai đoạn phải tạm dừng vì chiến tranh, dịch bệnh, dù xã hội, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật thời Hùng Vương ở Hải Dương chưa bao giờ mai một mà vẫn trường tồn, chảy mãi trong lớp lớp "con Lạc, cháu Hồng".
Những di tích thờ hoặc phối thờ nhân vật thời Hùng Vương đều đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá các cấp. Việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng thờ cúng tốt đẹp tại các di tích được thế hệ hôm nay tiếp truyền từ thế hệ đi trước. Truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", biết ơn tổ tông, nguồn cội vốn chảy trong huyết quản, tâm thức của mỗi người dân đất Việt nói chung, người Hải Dương nói riêng cứ vậy được vun đắp. Những giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa trong cộng đồng tiếp tục được khẳng định.
Thật vui khi nhiều trường học trong tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục lịch sử, văn hoá địa phương cho các thế hệ học sinh. "Năm nào nhà trường cũng tổ chức cho một số khối lớp đi tham quan các di tích ở địa phương hoặc tìm hiểu về lễ hội, trong đó có 3 ngôi đình thờ Cao Sơn Đại Vương. Qua đây, góp phần giáo dục, bồi đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau", thầy giáo Nguyễn Đức Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết.