Nét đẹp tình làng, nghĩa xóm ở Hải Dương
Tình làng, nghĩa xóm gắn bó tạo sức mạnh đoàn kết để người dân ở các thôn, khu dân trong tỉnh Hải Dương cùng nhau vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng cuộc sống phát triển.
Sức mạnh đoàn kết
Những ngày này, ở nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương đang sôi nổi diễn ra hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024. Đây là hoạt động thiết thực nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho các thành viên trong các hộ gia đình thuộc “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”. Các đội tham gia hội thi cấp huyện đều là những tổ liên gia tiêu biểu ở các xã, phường, thị trấn.
Để giành giải nhất tại hội thi của huyện Thanh Hà, Tổ liên gia xóm 10 ở thôn Nhan Bầu, xã Thanh Hồng đã giành nhiều thời gian, công sức cùng nhau tìm hiểu kiến thức, tập luyện phòng chống cháy nổ. Anh Phạm Văn Hiệp, Tổ trưởng Tổ liên gia xóm 10 ở thôn Nhan Bầu chia sẻ: “Không chỉ khi có sự cố, tai nạn mà bình thường các gia đình cũng rất gắn bó. Mỗi khi nhà nào có công việc hay gặp khó khăn thì các thành viên trong tổ đều đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ. Hội thi của huyện là dịp để các gia đình thấy rõ hơn sức mạnh của tình đoàn kết, càng thêm gắn bó với nhau hơn”.
Thời gian qua, làng quê ở huyện Thanh Miện có nhiều khởi sắc. Không bằng lòng với kết quả đạt chuẩn nông thôn mới, người dân ở các thôn, xóm ở các địa phương vẫn đang cùng nhau mở các tuyến đường rộng hơn nhiều mức chuẩn nông thôn mới, lắp hệ thống chiếu sáng hiện đại. Nhiều thôn xóm còn có thêm những điểm nhấn cảnh quang thú vị. Hầu hết các thôn, khu dân cư trong huyện có những điểm công cộng lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời. Thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường là một điển hình trong huyện về xây dựng làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp. Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi ông Phan Văn Thục, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Gia Lộc thực lòng chia sẻ bản thân không nắm rõ tổng kinh phí thực hiện các công trình là bao nhiêu. “Thôn chỉ đứng ra tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng quê hương. Còn mọi việc, từ nâng cấp đường xá, lắp điện chiếu sáng, tôn tạo các công trình phúc lợi đến mua dụng cụ thể thao ngoài trời đều do các gia đình ở cùng ngõ, xóm bàn bạc cùng thực hiện. Bây giờ hầu hết các công việc, phong trào ở thôn cũng vậy, tất cả đều do mọi người tự nguyện chung sức, đồng lòng thực hiện”, ông Thục nói thêm.
Chia ngọt sẻ bùi
Cứ đến dịp ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11, rất nhiều thôn, khu dân cư ở Hải Dương lại tổ chức các hoạt động cộng đồng để mọi người tham gia giao lưu thể thao, văn nghệ và cùng nhau dự bữa cơm đoàn kết. Vào dịp Trung thu, các gia đình ở từng xóm, ngõ lại góp công, góp kinh phí để tổ chức cho trẻ em rước đèn, phá cỗ. Người lớn thì liên hoan, cùng nhau hàn huyên chuyện làng, chuyện xóm. Tất cả đều mong muốn tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt thêm sợi dây gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Còn nhớ những tháng ngày toàn xã hội gồng mình chống dịch Covid-19, ở giai đoạn căng thẳng nhất, nhiều ngõ, phố, thôn, xóm, xã, phường phải cách ly triệt để, thiết lập các “pháo đài” chống dịch. Khi ấy khó khăn chất chồng nhưng ở Hải Dương không có ai, không có nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu. Từng gói mì, quả trứng, mớ rau, cân thịt… được những người, những nhà, những nơi san sẻ cho các gia đình tới tận ngõ xóm. Nhà nào phải cách ly thì hàng xóm và các đoàn thể ra đồng canh tác hoặc thu hoạch nông sản giúp cho kịp mùa vụ. Đó vẫn là những hành động, hình ảnh xúc động đọng lại sau đại dịch.
Những ngày qua, ở ngay vùng ven đô TP Hải Dương, khi nông dân nuôi cá lồng ở phường Nam Đồng, xã Tiền Tiến không may gặp hoạn nạn do cá chết, nhiều nhà hảo tâm và người dân đã đến thăm hỏi, tặng quà động viên. Món quà tuy không nhiều so với thiệt hại nhưng cũng làm ấm lòng các gia đình trong lúc tổn thất tài sản...
Ở đâu, khi nào và là ai thì tình nghĩa láng giềng vẫn luôn là điểm tựa không thể thiếu giúp mọi người san sẻ niềm vui, chia bớt nỗi sầu. Tình làng nghĩa xóm có khi đơn giản chỉ là những lời chào hỏi hằng ngày, cùng sống thuận hòa, cùng ngồi lại cởi những nút thắt khi có hiểu lầm, bất đồng trong cuộc sống để sợi dây tình cảm gắn kết, bền chặt hơn.
Năm 2024, Hải Dương phấn đấu từ 20% - 25% số phường, thị trấn đạt đô thị văn minh; duy trì, phát huy 93% số làng, khu dân cư văn hóa; 90% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; từ 70% - 80% số người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.